KỶ NIỆM ĐẸP CỦA ANH EM VÀ HƯNG "MẬP"
                                MỘT THỜI TÂN KHÓA SINH
                            -----------------------------------
                                          
                                 
LỜI BẠT                       

Rất xúc động khi được NT5 Huỳnh Văn Hưng trao cho đọc bản thảo đoản hồi ký của "một thời Tân Khóa Sinh"và nhờ ghi lời bạt. Đọc xong,trong lòng tôi, những tình cảm bồi hồi chợt ập đến như những cơn sóng cuộn. Quân trường mẹ lại hiện về rõ trong ký ức với những hình ảnh thân thương. Này là sân tập họp liền kề với doanh trại của các đại đội Sinh Viên Sĩ Quan, kia là ngôi chùa cùng nhà thờ dành cho SVSQ trong những ngày lễ tôn giáo, rồi thư viện, phạn xá, Bộ Chỉ Huy, rồi các giảng đường,phòng ốc dành cho "mùa văn hóa", nọ là văn khang để giải trí, nghe nhạc, bida, bóng bàn, khiêu vũ...,kế đó là văn phòng của Hệ Thống Tự  Chỉ Huy của Liên Đoàn SVSQ , tất cả bao quanh một Vũ Đình Trường rộng lớn mà chu vi vòng chạy ước cũng phải trên kí lô mét, là nơi để cử hành những buổi lễ nghi quân cách, được tận dụng làm sân bóng đá có kích cở theo đúng tiêu chuẩn FIFA dành cho SVSQ luyện tập, đấu giao hữu hay tranh giải hàng năm.  Và có lẽ, không một anh em nào có thể quên hai con dốc hẹp phía sau Bộ Chỉ Huy và Phạn Xá đổ về Khu gia binh trong những phiên gác đêm hay lúc trốn giờ tự học, xì xụp bên tô mì tôm nóng hổi của Trung Sĩ Cửu....
Chúng ta không thể quên những ngày tháng đó, dù thời gian khắc nghiệt vẫn lạnh lùng trôi đi, sương đã diểm trắng những mái đầu xanh của hơn ba mươi năm về trước, nhưng vẫn tồn tại đó, bất tử trong mỗi chúng ta những dấu ấn khó phai mờ, những kỷ niệm thân thương về trường mẹ, nhất là kỷ niệm của một thời Tân Khóa Sinh với "mùa huấn nhẫn" khắc nghiệt, gian khổ, mà "Tất cả tự ái  phải vứt bỏ ngoài cổng quân trường !" và "Tính mạng các anh chỉ có giá trị bằng hai tờ giấy báo tử ! Một tờ đắp mặt! Một tờ gửi về báo gia đình !".... là những câu hò hét thường xuyên trên cửa miệng của các cán bộ huấn nhẫn khóa đàn anh..
Không một thử thách cam go nào mà Tân Khóa Sinh không khắc phục, không vượt qua được. Ngày mong chờ khắc khoải của Tân Khóa sinh đã đến! "Lửa Alpha" đã rực cháy! Tất cả các Tân Khóa Sinh đã hào hùng kiêu hãnh trong đêm "Lễ gắn Alpha" thiêng liêng.
"Quỳ xuống ! Hỡi các Tân Khóa Sinh !"
" Đứng lên ! Hỡi các Sinh Viên Sĩ Quan !"
Trong tình cảm thân thương ấy, xin các bạn đón nhận những dòng hồi ký mộc mạc đơn sơ của NT5 Huỳnh Văn Hưng với biệt danh Hưng"mập",như một món quà nho nhỏ dành cho tình huynh đệ, đồng môn.
                                        Cẩn bút

                                   Vũ Quý Ngọc

--------------------------------------------------------------

1/-
Tháng 6/2010, bạn Lương Minh Hữu NT5 chuẩn bị lễ vu quy cho ái nữ.  Anh Ngọc đại diện gọi điện báo ra nhà hàng Hoàng Thành, đường Công Lý, Quận 1 trao thiệp mời. Tưởng chỉ có mình anh ai ngờ cũng đông đủ lắm, K1,K4,K5,K6, thôi thì những ông già lắm chuyên "café vào lời ra", chuyện trò đủ điều. Thật may mắn, một cơn mưa đầu mùa hiếm hoi chợt đổ xuống, giảm bớt đươc cái oi bức ngột ngạt của Saigon trong những ngày hè, nhất là vào những ngày bị cúp điện như hôm nay, một chút mát mẻ thoải mái con người, kỷ niệm chợt dâng trào. Bạn Đỗ Mạnh nói ," Anh Hưng Mập (tôi lớn hơn Mạnh 4 tuổi nên Mạnh thường gọi tôi bằng anh),hãy kể lại những kỷ niệm về quân trường cho anh em nghe đi, còn nhớ gì, va chạm gì, thương nhớ gì, nói tất, anh em ở đây nghe, anh em ở xa cũng nghe nữa ! Bình thường,tôi không bao giờ dám "múa rìu qua mắt Mạnh", nhưng tình cảm của anh em sống lại mãnh liệt quá nên mạo muội thôi, mù sờ voi,anh em có gì không vừa ý thì bỏ qua cho trong lúc sống về kỷ niệm. Xin mạn phép mượn lời Niên Trưởng Trần Thanh Sơn NT4, "...và nếu đã là kỷ niệm thì tất cả cũng sẽ là hư vô, là cõi tạm...,Nên chỉ xin cho được sống trong kỷ niệm một lần, một đời này rồi thôi."
Trở về dĩ vãng, ngày đó tôi là một Tiểu đội trưởng của Sư Doàn 5 BB, từng tham dự những chiến sự ác liệt, từ Bình Long, An Lộc trong Mùa hè đỏ lửa 1972 và về sau vẫn ác liệt dài dài. Tình cờ qua báo chí thấy thông báo của trường ĐHCTCT tổ chức thi tuyển Khóa 5 SVSQ/CTCT hiện dịch. Với mong muốn được thay đổi trong cuộc đời binh nghiệp và cũng lợi dụng để có được ba ngày phép quí báu, tôi xin phép Đơn vị trưởng để được về Saigon dự thi. Vào trường Đồng Tiến ở Phú Thọ so cựa cùng các sĩ tử, đông quá, không dám hy vọng gì nhiều, Nhưng ai mà biết những may mắn đến lúc nào trong cuộc đời,và đây, trong danh sách kết quả trúng tuyển lại có tên tôi.
      Sự cố xảy ra,đến ngày trình diện nhập khóa thì Đơn vị trưởng trực tiếp không cho đi, lý do là đơn vị thiếu quân số, chưa kịp bổ sung!... Vậy là cánh cửa số phận đã "đóng" lại với mình rồi !...Nỗi thất vọng ngập tràn!... Nhưng, trong cuộc đời có những chữ "nhưng" thật đáng nhớ. Thần may mắn đã kịp có mặt, một công văn "Khẩn" của trường ĐHCTCT can thiệp, khi không thấy tôi về trình diện nhập học. Bút phê của Tư Lệnh Sư Đoàn 5 trên công văn của Trường là "Giải quyết cho đương sự ! ".
      Bước ngoặc cuộc đời đã đến ! Kiểm tra lại lại quân trang ,quân dụng, lau chùi vũ khí trả lại cho kho, lên Bộ Chỉ Huy Tiểu đoàn nhận "Sự Vụ lệnh" lên đường. Vui mừng khôn xiết, tôi thầm nhủ " Kha kha kha, từ điểm nóng khói lửa ác liệt ta lại đến điểm lạnh mù sương thơ mộng ". Về sau, khi lên trường nhập khóa rồi, tôi mới biết bạn Phạm Mạnh Hùng (Tây Ninh)cũng ở Sư Đoàn 5BB về trường cùng với tôi. Nhưng bạn đã đi xa rồi ! Chúng tôi từ Sư 5 về trường, các Niên Trương ra trường về Sư 5 cũng không ít.
      Tranh thủ chút thời gian tạt ngang nhà thăm mẹ già, người mẹ suốt đời trông ngóng đứa con trai thời chinh chiến. Mẹ còn ít tiền, "dấm dúi" nhét vào túi con. Trọn tháng lương cộng với tiền trợ cấp tác chiến cũng khá bộn, đã chiêu đãi bạn bè hết rồi.   chúng nó kéo tôi qua câu lạc bộ của Tiểu đoàn 5 Quân Y, nổi tiếng về các món ngon, bia bọt chảy như suối trôi luôn tháng lương Trung sĩ I. Chúng còn hẹn hò, thời gian thụ huấn cũng qua lẹ thôi, nhớ về lại đơn vị cũ nhé ! Tôi bồi hồi, mắt ngầu đỏ, trong đầu óc lởn vởn câu " Hẹn hò thời buổi ly loạn...". Sau tháng Tư đen,tôi có đi tìm các bạn ấy, nhưng không còn ai. Trong thời gian thụ huấn ở Trường, tôi được tin vị Đại Đội Trưởng của tôi đã thăng chức "một mai có đế". Lửa đạn không làm gì được ông, nhưng ông đã tử nạn vì giao thông vào cuối năm 74, ngay trong căn cứ hỏa lực của Sư Đoàn, thật là khốc liệt....!

 2/-  Từ giã mẹ già, tôi đi xây cung bậc cuộc đời.


       Đến Trung Tâm Vận Chuyển Quân Đội (trực thuộc Cục Quân Vận) nằm gần Biệt Khu Thủ Đô, tìm quân xa quá giang lên Đà lạt . Mọi việc đều lạ lẫm, lần đầu tiên ra Đà Lạt, đèo Chuối trồng nhiều chuối quá, đến đây thì khí hậu bắt đầu mát mẻ. Đèo Bảo Lộc đường nhỏ hẹp, ngoằn ngoèo, vực thẳm chiều sâu, đường càng đi càng dốc ngược lên cao, rồi vào thác Preen, xe đi từ khuya nên khoảng 12 giờ trưa là đến Đà Lạt. Cám ơn Thượng Sĩ trưởng xa, tôi quảy túi quân trang nặng trĩu tìm đường về Trường, lòng dạ nôn nao khó tả  .Hai giờ chiều, đến trước trạm gác quân trường, trình sự vụ lệnh xin vào. Ngoài cổng quá nhiều cán bộ, quân phục kaki vàng, nai nịt gọn gàng trẻ trung, nhưng gương mặt người nào cũng đằng đằng sát khí ! Phía trong ,có nhiều anh em quân phục treilli xanh, toán thì chạy, toán bò trườn, toán đi ếch, hít đất , toán lăn lộn.... theo lệnh các cán bộ đang hò hét nạt nộ vang trời.
         Đưa hết giấy tờ cho cán bộ, đứng chờ chừng vài mươi phút,quan sát đủ hướng, chưa biết lễ độ, chưa biết sợ là gì, bỗng có một cán bộ giọng nói đanh thép, dứt khoát :" Anh Hưng! theo tôi ! Chào trường!". Cứ tưởng là tà tà đi theo cán bộ để sắp xếp nơi ăn chốn ở, tôi nặng nề quảy túi quân trang lên vai đủng đỉnh . "CHẠY THEO TÔI !", Tiếng quát to như sấm rền, tôi giật bắn người, vội vàng cất bước phục phịch chạy theo, thật quá khổ cho tấm thân nặng gần 100 Kg của tôi !..."Lẹ lên coi !" , tiếng quát liên tục hối thúc, hết phần tư vòng Vũ Đình Trường... nửa vòng... một vòng... bước chân như có đá đeo, tôi thầm trách sao mình mang theo túi đồ nặng quá.... Tiếng hét đầy uy lực liên tu bất tận, tôi ngã lăn trên đường nhựa, xây xẩm mặt mày, nhưng vẫn còn nghe biết mọi việc, một thùng nước cống hôi rình ở đâu đó tạt vào đầu, quá phũ phàng. Tôi cố gắng đứng dậy tiếp tục chạy thêm gần một vòng nữa thì quỵ tai chỗ, thoi thóp thở, lúc này mặc ai làm gì thì làm, tạt nước nữa vẫn nằm im !. Chuyện đời đâu có dễ vậy được, cán bộ gọi một đồng đội của tôi đến, nói to :    " Tên này chưa gì đã chết, hãy kéo xác hắn bỏ xuống hốsâu đằng kia !". Sự việc bắt đầu " Ấn tượng nhớ đời " từ đây : tay này không nắm tay kéo, mà hắn nắm hai chân tôi kéo từ từ, rồi càng lúc càng nhanh hơn.  Hồn phi phách tán, hai tay tôi cố nắm chặt vạt áo hầu che chở cho tấm lưng bè bè đừng tiếp xúc với mặt đường lổm chổm đá nhọn, cố tránh trầy trụa... Nhưng người đồng đội thực hiện cú kéo này, không biết hắn có nghĩ gì không mà hắn kéo quá nhiệt tình, tôi đau đớn quá, nhăn nhó mặt mày, dòm ngược ánh nắng, mặt cán bộ thì trắng hồng pha ửng đỏ như lửa, mặt của tay kéo tôi xanh xanh đen đúa, mắt hắn hơi lồi, khuôn mặt nhỏ, dáng người ốm ốm, không cao không thấp, điều đặc biệt là hai tai hắn vểnh to, giảo một cách lạ thường. Hắn kéo quá mạnh, vùng vẫy cũng không thoát, chuyến này " chắc là chết" . Trong cơn đau đớn, vẫn còn đủ tỉnh táo để biết, hắn đã thấm mệt với sức nặng gần trăm kí lô gam của tôi. Cán bộ liền gọi to, hai "đồng bọn" của hắn chạy đến, hai tên này cao to, phải gần mét tám, một tên mặt đen bặm trợn, một tên mặt trắng khờ khờ. Chuyến này " chết thật rồi" ! Tên đen kéo trước, tên trắng kéo sau, tấm lưng cày trên đá, lớp áo trellis đã rách, tôi muốn chết cho rồi....Trong cơn mê tỉnh, thấy hắn còn lăn người tôi qua lại, xốc lên, hình như hắn cố quan sát xem có "mệnh hệ"  nào không, rồi hắn mạnh bạo lăn tôi xuống một hố nước ven đường.
      Sau này, lúc vẫn còn đang trong mùa huấn nhẫn, nhác thấy hắn từ xa là tôi tìm cách "tránh cho rồi", sợ rằng trong quá trình tập luyện, thể lực chưa đáp ứng được, cán bộ nổi giận lỡ mà có kêu hắn tới làm gì, với sự "nhiệt thành chân thật" có thể bị hắn dẫm cho "lòi phèo". Ba mươi lăm năm sau, gặp lại hai "đồng bọn" của hắn_ trong đám cưới con trai NT5 Trần Hồng Tuấn_ "Thành Lễ, Hùng"ngố" sao ở ĐĐA bon chen sang ĐĐB kéo xác tao", anh em cười khà khà, khác ĐĐ nhưng chung Tiểu Đoàn 1 à mày....
      Lồm cồm ngồi dậy từ vũng nước, có bạn nào thảy túi quân trang trước mặt, bảo mang lại "sân tập họp". Phân bổ đơn vị, thuộc quân số Tiểu Đoàn 1, Đại Đội B, Trung Đội 4. Vào phòng cùng anh em, bộ quần áo trelli mới may hôm nào, mặc vào bảnh bao để đi trình diện quân trường, nay đã rách nát, các con bọ dây nịt đứt ra hết, quần lót bên trong cũng rách, còn tấm lưng, vòng tay ra phía sau rờ thì trời ơi máu tươi rịn chảy ra. Có bạn thông cảm bảo "Lẹ lên, vào rửa sơ sơ rồi đi ăn cơm, chưa thấm tháp gì đâu, ráng mà chịu đựng đi !". Tôi đang ngao ngán, bỗng có tiếng "dế" kêu, bạn bè chạy rần rần, tôi bật dậy chạy theo ra sân tập họp, sắp hàng để đến Phạn Xá ăn cơm. Mâm cơm bốn người, được các bạn hướng dẫn cho thế ngồi, cách ăn, dù đang đói cũng không ăn được gì nhiều. Các bạn xung quanh làm rào rào như tằm ăn dâu, mười mấy ngày " luyện thép " trước ,họ đã quen dần, tôi nghĩ vậy và tự nhủ mình cũng phải ráng quen thôi.
        Hàng tuần sau, cũng trong mâm cơm của Phạn Xá, được cán bộ cho học nói, chim sáo ăn ớt biết nói hay, hót hay,  tôi cũng phải ăn ớt để cho có giọng nói thanh tao (một hình thức huấn luyện phục tùng,tuân lệnh). Tất cả ớt của các mâm cơm gom lại khoảng một chén đầy, phải ăn cho hết để có được giọng nói thanh tao ! Anh em ngồi yên, tôi đứng cầm chén ớt nhai từ trái, xong thè lưỡi ra cho mọi người xem có nát nhừ không rồi mới được nuốt vào. Ăn được gần hết chén, nước mắt nước mũi trào ra, hai tai nổ lốp bốp. Không cách gì chịu được nữa, tất cả những gì trong bao tử văng trào ra trên bàn.... Từ góc phòng ăn có một tay nào đó,cũng là bạn bè, mà hắn chịu không nổi, cúi mặt cười. Trời "bất dung gian" cho hắn, đôi mắt sắc bén của cán bộ đã nhìn thấy, kêu hắn đứng dậy :"Anh kia ! Đồng đội chia sẻ đắng cay mà còn cười trên sự đau khổ của người khác ! Anh Hưng! gom tất cả ớt trên bàn vào tô đem đến đưa cho anh này !":Thi hành mệnh lệnh, dùng tay tôi vuốt tất cả chất thải xổ trên mặt bàn vào tô, đem lại cho hắn uống. Không uống cũng đâu có được, hắn đã uống cạn chén cay đắng. Phải nói thật là lòng tôi rất "hả hê"....Dùng cơm xong, hắn còn phải ở lại nghe lời giáo huấn nên chạy về sau. Khi đi ngang qua thùng nước ở Đại Đội A, thấy hắn đang khạc nhổ súc miệng lia lịa. Tôi ói, hắn cũng ói, biết nói gì đây.Tôi lẹ làng chạy một nước về Đại Đội mình.
       Buổi chiều, tối có yên đâu, lại tiếp tục trườn, lăn, bò, lết, đi đứng đều, đến tận 9, 10 giờ tối mới được tan hàng "cố gắng" ! Về phòng, có mấy phút vệ sinh lên giường ngủ, được nhắc nhở thay đồ nhái, đắp 2 mền. Lần bị kéo "xác", rách da lưng,đau quá, nằm ngửa không được, nằm sấp ngủ cũng không được .Cán bộ đi rầm rập suốt đêm đưa vào khuôn khổ nếu có gì không giống ai, và đây cũng là lúc tình cảm của người Niên Trưởng được thể hiện, sửa lại thế nằm, đắp mền đúng cách chống lạnh cho các đàn em....
       Bốn giờ sáng được báo thức tập thể dục. Đang ấm êm mê man trong giấc nồng, trời lạnh kinh hồn, tiếng "dế" kêu hối hả, mọi người bật dậy như lò xo lao vào một ngày mới! Cơ thể và đầu óc không có một phút nào rảnh rỗi để suy nghĩ về bất cứ vấn đề gì, một thời gian thì cá tính của các bạn và tôi bộc lộ rõ,lúc này cán bộ đã để ý và xem xét để lôi từng cá nhân, từng toán nhỏ ra quần thảo riêng. NT4 Nguyễn Cao Hiếu, SVSQ cán bộ huấn nhẫn, đã xuất hiện thường xuyên hơn, dáng người anh cao to,vạm vỡ, săn chắc một cách gọn gàng, chú ý nhiều đến tôi !!! Duyên nợ gì đây ? Lành hay dữ ?...Cũng không kịp suy nghĩ nhiều, anh cười ruồi nhìn tôi, liếc nhanh thấy, vội vàng tránh ánh mắt của anh, cũng không thoát, anh gọi tên,  móc tôi ra khỏi hàng quân ! Một thiên tình sử  "Cao Hiếu - Văn Hưng" bắt đầu, nhiều đau đớn, đoạn trường, ngày cũng như đêm. Đêm về, chỉ được ngủ rất ít, nằm xuống giường khi Nhân "Le" đã ngủ được một giấc dài, Nguyễn Văn Luyến nằm giường trên đã bớt nhúc nhích (có lẽ do quá mệt). Luyến thường hay nhúc nhích cơ thể, bản tính tự nhiên, ăn, ngồi, nằm nghỉ, học hành, đứng trong hàng quân đều phải nhúc nhích mới được, nhất là lên giường ấm êm trong hai lớp mền, nhúc nhích càng dữ hơn, tôi chịu không nổi, năn nỉ Nhân "Le" qua nằm trên cho "Sếp" qua giường bên kia .   Nhớ kỷ niêm với Luyến "nhúc nhích" là lúc lên SVSQ,tôi đã cứng cáp, được phân công chỉ huy hàng quân thao dượt trước Bộ Chỉ Huy quân trường, đứng khuất bên trong là sĩ quan Đại Đội Trưởng đại đội tôi, NT1 Nguyễn Đình Xuân, người sĩ quan huấn luyện cực kỳ quy củ. Từ xa, không cần nói gì, ông cũng đã biết ai muốn gì, ai nghĩ gì, ai làm gì, một thời tôi đã là SVSQ Thường Vụ đại đội thuộc quyền ông.  Lần đó,trước hàng quân hô hoán, "Thế nghiêm !", đội hình đứng im phăng phắc như tượng đá, nhưng mà có một chỗ không im, tôi gọi ra khỏi hàng quân, đó là bạn Nguyễn văn Luyến, " Hai mươi hít đất ! Lệnh thi hành!", Trưa tan hàng về phòng anh không thèm nói với tôi câu gì.  Không gọi anh ra tôi cũng "chết" trước sĩ quan Đại Đội trưởng, không tài nào qua mặt được.
          Gần đây họp mặt vui vẻ tại nhà anh Ngọc, NT5 Phạm Xuân Hồng có nói, thời Quang Trung ở gần Luyến, nhưng lên trường ở xa Luyến, "mừng quá", lúc trước ở gần nó, đôi vớ của nó mà vô phúc cho con chuột , con gián nào chạy qua hay va  phải là "chết ngay lập tức", nghĩ trong bụng không sai chút nào.    
          Trở lại duyên nợ "Cao Hiếu -Văn Hưng", 11 giờ đêm năm 1974, trời Đà Lạt lạnh thấu xương, anh em đã ngủ, sương mù bao phủ, chừng mười, mười lăm mét là không thấy nhau. Tôi bận đồ "nhái" bê bết ướt bùn đất, đeo ba lô, hai tay cầm khẩu Garant M1 giơ cao khỏi đầu. Anh, quân phục cán bộ tề chỉnh, đằng đằng sát khí, cúng nhau đứng trước năm bậc thềm của Văn phòng đại đội, thân xác rã rời, thiếu ngủ trầm trọng sau một ngày quần thảo. Lệnh anh ban ra, tôi thi hành tối đa, nhưng không bao giờ anh vừa ý. Anh bắt làm con cóc nhảy lên nhảy xuống, rồi lăn lên lăn xuống, không biết bao nhiêu lần, anh vẫn kêu " Tiếp tục cho tôi !". Anh xỉ vả thậm tệ, nào là bạc nhược, yếu hèn, mập lè phè, ma giáo.... bây giờ gặp anh thì đừng hòng . Anh hò hét:" Hao hụt 5%  quân số trong thời kỳ huấn luyện là được Bộ Quốc Phòng cho phép ! Đêm nay tôi sẽ cho anh nằm trong 5% quân số đó ! Tự tay tôi sẽ gói xác anh bằng poncho ".   Điều này làm tôi sợ hãi thật sự, tôi biết đằng sau anh là sĩ quan cán bộ của quân trường, chống đối là thừa . Anh uy nghi dũng mãnh,tôi kiệt sức quỵ tại chỗ. Khi được về phòng thì giờ tập thể dục đã gần đến. Tiếng ngáy của Nhân "Le" đều đều. Ôi! tại sao lại có con người sung sướng đến thế ! Không buồn dòm qua bên xem Luyến có còn nhúc nhích hay không. 
       Đầu óc tôi quay cuồng ! Trời ơi, máu đã thấm xuống mặt đường nhựa, giọt nước mắt cố nén chặt vào trong cũng đã rơi, rồi nữa,làm sao thoát ra khỏi 5% quân số hao hụt khi huấn luyện ? Tiếng nói anh Cao Hiếu cứ vang dội trong đầu, tôi biết anh không ngần ngại gì đâu để đưa tôi vào 5% quân số đó ! Như có luồng điện từ người lên tận đầu óc, tôi sắp có quyết định "dại dột" là kiểm điểm lại tiền bạc, xem còn bao nhiêu, để làm lộ phí trở về đơn vị cũ, không sĩ quan gì nữa ! Nhưng không còn đồng nào hết, lúc bị hành hạ lăn, trườn, bò, lết ở trong vũng nước thải sau hè, áo quần tơi tả, đã mất hết rồi. Tôi thở dài và lăn ra giường, không còn nhớ gì nữa. 
        Sau giờ huấn nhẫn chạy về phòng, đôi bàn chân đã phồng dộp, mọng nước, mới bể ra và gần như loét. Tôi không còn được đi bộ nữa, mọi việc đi ăn, đi học hay bất cứ đi nơi đâu, lệnh ban ra là phải chạy, nếu bất cứ ai thấy đi bộ đều có quyền chấn chỉnh thẳng tay, không thương tiếc.
Có "cây gậy" thì cũng có củ "cà rốt", có anh Cao Hiếu sắt thép thì cũng có Niên Trưởng mềm mại hơn. Các anh khuyên "Ráng đi Hưng mập ơi, anh có tiến bộ rồi đấy !" và nói đủ cho nghe là " Huấn nhẫn là thử thách có mục đích cho biết giá trị đích thực của một con người, áp dụng cho tất cả các Tân Khóa Sinh trước khi được hãnh diện gắn Alfa trở thành SVSQ."
     Lời khuyên chân thành, về suy nghĩ nhiều, từ đó tôi cũng nhận ra chân lý. Bao nhiêu anh em của mình ngày đêm chịu đựng trong khuôn khổ, mà mình vượt ra. Đúng như lời anh Cao Hiếu nói là mình đã bạc nhược, đã yếu hèn. Thầm mắc cở với lương tâm, tôi quyết đứng lên, "Tử sanh do mạng, phú quí tại thiên", cắn răng chịu đựng, tư tưởng ổn định, siêng năng tập luyện, có lần tôi đã được thưởng "một chống dạ chiến". Không còn có ý tưởng "chuồn" nữa, số phận đã buộc chặt tôi vào Khóa 5 từ dó.
    Sau ngày chúng tôi gắn Alfa, anh Cao Hiếu đã là một SVSQ năm thứ hai, anh lo phận sự của anh, tôi ít khi bị phạt lẻ tẻ, mà phạt tập thể là nhiều, đã gọn gàng nhanh nhẹn hơn, từ hơn 97 Kg nay chỉ còn khoảng 80 Kg. Rồi cũng nhận ra, anh đã khổ cực cùng tôi suốt mùa huấn nhẫn, chắc chắn là anh lao tâm khổ tứ dữ lắm, sướng gì đêm khuya hao hơi tổn tiếng, giờ đó ai cũng nghỉ sau một ngày hoạt động đầy năng nổ của một SVSQ như anh. Thầm nhớ ơn anh, cho đến bây giờ mỗi lần nghĩ về anh, vẫn mong muốn chuyện trò cùng anh, đường xa vạn dặm, tôi mong tuổi già anh được nhiều khỏe mạnh và cũng không biết anh có còn nhớ đến tôi không ? Thằng Niên đệ "mỡ mẻ mịn màng" của anh ngày nào.
     Gần đây, gặp lại anh NT4 Hứa Danh Lưu, lâu lắm rồi ( 36 năm không biết anh ở đâu), trong điện thoại nghe anh nói " Bà mẹ ơi, thằng Hưng Mập nó gọi, nghe nói chân yếu, ở nhà đi, anh xuống thăm". Ba mươi phút sau anh đã đến, chúng tôi mừng rỡ vô cùng, "Công Tử Bạc Liêu " năm nào nay tóc đã bạc trắng như bông. Đó là Sinh Viên Sĩ Quan cán bộ Đại Đội Trưởng thời tân khóa Sinh của tôi. Anh nhắc lại chuyện vui là hồi đó, Trường đang nhận các Tân Khóa Sinh trình diện lẻ tẻ (do các đơn vị gởi về muộn), thì Đại Đội B của anh đã nhận tôi, vừa mới vào đã gây sự chú ý của nhiều cán bộ, NT4 Lê Văn Minh, cán bô Trung Đội Trưởng, đã chạy vào báo cáo với anh đang trực ở văn phòng là  " Đại Đội mình mới nhận được một con gà to, béo chưa từng thấy, ra mà xem "
Anh Lưu ra thì đúng như lời của "Đét" Minh (anh Lưu nói đây là biệt danh của anh Minh ở trong khóa), con gà này quả là bự chà bá luôn.
     Anh Lưu mà thời đi công tác vùng 4 bị mất tích, hẳn các bạn K5 còn nhớ ?
Anh nói " Lúc đó, mình đâu có để Hưng Mập có "mệnh hệ" náo đâu, nhớ không?  Đã đưa Hưng vào Bệnh xá để đo huyết áp và nhịp tim, thấy tốt ,mới bàn với anh em cho Hưng trước hết là nếm mùi đời, sau là cho cơ thể không còn mập béo nữa". Tôi vỡ ra thêm tình anh em, được nước nói thêm "Dạo đó ,anh đi chiến dịch, anh em trước giờ ăn ở Phạn Xá đã có một phút tưởng nhớ anh, lòng buồn vô hạn, nay anh đền đi ", anh nói "cho Hưng Mập ăn ngon chịu không ? Một chầu mì thập cẩm mà anh trả tiền theo truyền thống của Trường "Niên Trưởng bao đàn em".
      NT5 Đoàn Công Phúc ở Quân Đoàn III còn về trình diên trễ hơn tôi mấy ngày. Anh cũng "chào Trường", quần thảo tơi tả, cận thị mà không dám đeo kiếng, thi hành lệnh phạt mà con mắt cà nhướng cà nhướng. Anh này chạy dữ thiệt, năm vòng Vũ đỉnh trường vẫn còn chạy tốt, nhưng vào đây "sắt đá cũng chảy", cũng đuối thôi. Trở về phòng, anh như con gà bị nhúng nước , động lòng với bạn cùng phận, trong túi có giấu gói mì, tôi nhường cho anh, chỉ anh đi kiếm Tuấn "Rề", lúc lên SVSQ anh em chơi thân lắm .Sau tháng Tư, ăn cơm quân trường chưa hết duyên, tiếp tục ăn bo bo chung thêm vài năm nữa, cùng mưu sinh cho đến khi anh và một cô giáo Hiệu trưởng xinh đẹp xây dựng, chừng đó chúng tôi mới xa nhau.Bây giờ anh là Giáo sư dạy luyện thi đại học tại gia. Cuộc sốngêm ả, các con cũng đã tốt nghiệp đại học.
       NT5 Hà Minh Tuấn có biệt hiệu là Tuấn "nấu rề chơi bass", gọi vậy thì hơi dài nên anh em gọi tắt là Tuấn "Rề".  Rề mà ở trong tay anh là "phát triển" liên tục. Ngày phép cuối tuần, quần áo tề chỉnh ở ngoài phố, bỗng anh em thấy cái gì ở trong quần anh ló ra, chỉ anh, anh vội nhét vào "cái Rề ấy mà", Anh em buột miệng nói, ngoài phố đồ ăn nóng sốt thiếu gì, còn mang theo rề mà làm chi ? Anh nói đừng có mà phát biểu lung tung mích lòng nhé, tôi mới sắm thêm cái nữa, anh em nhờ vả hoài mau hư lắm, lấy đâu mà xài, tôi mà thiếu rề thì không còn là tôi nữa, chuyện là vậy.
         Anh em đã gắn Alfa, NT5 Vũ An Hiển rạng rỡ trong quân phục dạo phố mùa hè, cây đào hoa của khóa đấy ! Tôi chưa được đi phép dạo phố cuối tuần vì giày và nón cỡ lớn, nhà thầu cung cấp không kịp. Anh chàng được ra phố nhìn tôi nheo nheo một mắt, cười nói "Khi nào có phép đi với mình, em gái Đà Lạt má đỏ, môi hồng, mình sẽ giới thiệu cho Hưng một cô". Tôi náo nức, ở nhà Chúa nhật cũng buồn, trưa xuống Phạn Xá ăn cơm, tôi làm luôn hai phần chuối Laba, uống hai ly trà buồm ( cơm dọn đủ phần, có bạn nào buổi trưa chịu về ăn cơm đâu, đi phép dạo phố sướng quá mà ).
        Việc học hành, tập tành diễn biến tốt, thể lực đã theo kịp đồng đội, với những "con chiến mã" như Hồ Kỳ Hùng, Lê Văn Tích, Nguyễn Viết Trạng, Trần Văn Hội, Đỗ Văn Mạnh, Nguyễn Văn Ca ...v...v... có thể nhanh lẹ hơn tôi, nhưng với Vũ An Hiển thì " quyết định sau cùng vẫn là cán bộ".
        Một kỷ niệm đặc biệt không thể nào quên, không phải dễ mà SVSQ nào cũng có thể được hưởng : Vào dịp Tết Âm lịch qua năm 1975, đầu năm, tôi đượccùng SVSQ cán bộ Liên Đoàn trưởng LĐ/SVSQ Trương Đức Sử đến nhà Chỉ Huy Trưởng Quân trường ( thầy Nguyễn Quốc Quỳnh) ăn bữa cơm đầu năm cùng gia đình Thầy. Không khí se lạnh mà ấm áp tình cảm, nhà Thầy trên ngọn đồi trồng nhiều hoa anh đào lắm, tôi được anh Sử nhắc nhở, đầu năm ngoài việc lễ nghi, quân phong, quân cách thì người cũng bớt cứng đi: nhớ có món thịt đông ăn cùng dưa cải, món mà dân Nam bộ như tôi chưa có dịp biết qua, tôi chén tận tình. Buổi chiều lại được đến nhà thầy Nghiêm Viết Thành, Trưởng Khối Khóa Sinh, chúc tết Thầy đồng thời thưởng thức món thịt kho dưa giá. Buổi tối về phòng nghỉ ngơi lại được SVSQ cán bộ Đại Đội Trưởng NT4 Phạm Đăng Hưng, tập họp anh em để dùng tiệc tâm giao nữa, ai có món gì, hay không có gì cũng ra hết. Đại Đội Trưởng đẹp trai, con nhà giàu. Anh đem ra hai cái bao tử heo khìa dồn thịt, tiêu hột, nấm mèo căng cứng mà gia đình đã gởi lên cho anh, dùng một mình đâu có vui, truyền thống anh em chia bùi xẻ ngọt, chúng tôi nhớ đời "bao tử heo dồn thịt " thơm phức của anh.     Bây giò tuổi 60, ĐĐT vẫn cứng cáp, khỏe mạnh, dặm trường dong ruỗi cùng chiếc Mercedes Spriter 16 chỗ vào Nam ra Bắc mưu sinh hàng ngày, anh em nào có gì vui vẻ, có gì khó khăn anh đều chia sẻ, nhiệt thành, mọi người đều mến anh.
    Khóa 5 cũng có bạn ra đi sau khi huấn nhẫn và đã được gắn Alfa ,chúng tôi vẫn thân mật và thương yêu. Ngược lại, cũng có bạn vào khi đã gần một năm thụ huấn, đó là anh Vũ Quý Ngọc, khi đã là Niên trưởng Khóa 4 của chúng tôi, trong kỳ tranh giải bóng đá liên trường, anh bị thương nằm viện thời gian lâu dài nên xuống Khóa 5 tiếp tục học. Đây là cơ duyên của Khóa, anh là viên ngọc quý hôm nay của chúng tôi, từng anh em,kẻ đau, người yếu, kẻ giàu, người nghèo, anh cùng NT5 Đỗ Mạnh, Phú Long khuyến khích, động viên,gắn kết, hết lòng an ủi, mặc dầu các anh cũng vất vả như chúng tôi thôi.Tôi trân trọng quý mến NT4+5 Vũ Quý ngọc.
    NT5 Siu Phem ở tận rừng sâu, anh cùng Mạnh đã tìm về cho anh em gắn kết. Gần đây, Siu Phem có dự đám cưới con gái NT5 Lương Minh Hữu, là người dân tộc thật tình hết mình nhưng cũng không chấp nhận cho kẻ nào chơi gác. Đang đứng cùng anh em lâu ngày hội ngộ, tôi bỗng thấy một vật gì nhọn hoắc chỉa vào lưng ấn mạnh, vội vàng quay lại, bắt gặp hàm răng "Hynos" trắng tinh cười nói " Mày còn nhớ không, ngày xưa mày chạy không nổi, tao lấy cây Garant đẩy lưng mày đấy, may mà tao nhẹ tay, chớ tao đẩy mạnh chưa biết mày sẽ ra sao ", tôi cười với nó,thằng bạn đáng yêu này nhớ dai quá... Ở nhà Mạnh chơi mấy ngày, nó nhớ phu nhân, nhưng nó nói nhớ rừng núi , đòi về. NT5 Lê Ngọc Ẩn kêu ở chơi thêm, vé mua rồi bỏ đi, Ẩn mua lại cho, Ẩn cũng yêu mến Siu Phem lắm. Nó nói "Đừng làm vậy, ở ngoài đó tiền khó kiếm lắm." Lần đầu anh em ghé thăm, lúc về nó tặng mỗi người một quả bí, lần sau về thành phố chơi, nó sẽ tặng anh em và Hưng Mập mỗi người một quả nữa .bí tự tay vợ chồng nó trồng. Chia tay trở về núi rừng, lòng dạ bùi ngùi, ở tận miền sơn cước bao la, K5 chúng ta còn Siu Phem. Bạn tin đi, chúng tôi mến bạn vô cùng.
      Gần đây Khải "già" trở bệnh, gần xa hết lòng chăm sóc, NT5 Hoàng Văn Ứng không quên động viên bạn bè, Ứng là " Super man " của khóa tôi, nhân sinh quan thượng thừa, đừng mong đem gì áp đặt, anh không cần đâu, chắc có lẽ lợi danh trần thế là " bong bóng trời mưa", giờ tôi vẫn là "cấp phó " của anh. Gửi lời thăm, chúc bạn hạnh phúc dài lâu.
        Các bạn ơi, anh em chúng ta tản mác bốn phương trời, nơi quê nhà cũng như ở xa, vài mươi ngàn cây số vuông chỉ có một, hai người, đều đã ngấp nghé hoặc đã qua tuổi sáu mươi (lục thập ý thuận), thời gian khắc nghiệt không chờ ai hết, tôi không biết làm gì hơn là viết những dòng này mong vào một lúc nào đó, các bạn rảnh rỗi, nó sẽ đến với các bạn , là tôi đã thỏa mãn được niềm thương mến với các bạn.
           Biết rằng không quên là sẽ nhớ.
           Nên dặn lòng phải nhớ để đừng quên.
                        Một lần thôi
                       Một đời thôi
     

 3/-  "Tôi viết tên anh trong trái tim tôi" Các Nguyễn Trãi 5 :

1/Vũ Quý Ngọc,2/ Đỗ Văn Mạnh,3/Nguyễn Phú Long,4/Nguyễn Văn Thiện,5/  Lê Ngọc Ẩn,6/Đỗ Đình Mai,7/Nguyễn Văn Tuynh,8/Lê Văn Tích, 9/Vũ An Hiển, 10/Trịnh Mộng Chính,11/ Hoàng Văn Ứng,12/Trần Anh Long,13/Nguyễn Văn Luyến,14/Nguyễn Văn Nhân,15/Trần Văn Hội,16/Trần Văn Thận,17/Lê Quốc Ân,18/Huỳnh Kim Ân,19/Phạm Xuân Hồng,20/Trần Hồng Tuấn,21/Nguyễn Đỗ Tuấn,22/Hà Minh Tuấn,23/Nguyễn Hồng Phương,24/Trần TriPhương,25/Phạm Đình Phương,26/Nguyễn Đình Lê,27/ Lê Lập 28/ Ngô Quốc Hùng,29/Nguyễn Ngọc Hùng,30/Hồ Kỳ Hùng,31/ Trầm Văn Hùng,32/Võ Quốc Khoan,33/Nguyễn Văn Thành,34/Nguyễn Đạt Thành,35/Phan Minh Thành,36/Lê  Minh Tuệ,37/Phạm Văn Hoa,38/ Đặng Hoa,39/Nguyễn Phước Đức,40/ Siu Phem, 41/PhạmTấn Khải,42/ Y Huen Hmok,43/Nguyễn Quốc Dũ44/Nguyễn Văn Dũng,45/ Cao Hữu Dũng,46/ Cao Anh Kiệt,47/ Lưu Văn Toàn,48/Trần Thành Bảo,49/Đỗ Vĩnh Bảo,50/Huỳnh Kim Bảo,51/Nguyễn Quốc Bảo,51/ Hoa Khôi, 52/Nguyễn Kim Khôi,53/ Trần Dung,54/ Nguyễn Văn Dung,55/Trần Văn Khanh,56/Lê Công Khanh,57/ Bùi Mãng,58/ Nguyễn Diệt,59/ Trần Việt,        60/Nguyễn Văn Sỹ,61/Cao Văn Vân Trình, 62/Nguyễn Văn Ca,63/ Đỗ Thành Phát,64/ Vũ Văn Sơn,65/Lê Văn Viễn,66/Nguyễn Văn Xuân,67/Trần Hương Giang,  68/ Nguyễn Văn Hộ,69/PhạmTrung Hiếu 70/Đặng Văn Hiếu,71/Vũ Ngọc Chấn, 72/Vũ Viết Tiên,73/ Đặng Quang Cảnh,74/Nguyễn Tiến Việt,75/Nguyễn Mạnh Châu,76/ Nguyễn Thanh,77/Lê Quang Thanh,78/Nguyễn Hân,79/Nguyễn Văn Quýnh,80/Bùi Quang Hoán,81/ Hoàng Văn Định,82/ Nguyễn Tụ,83/ Vũ Văn Hoan,84/Tô Đình Phùng,85/Nguyễn Việt Trung,86/Nguyễn Viết Trạng,          87/ Phạm Hồng Hào,88/ Nguyễn Tất Đạt,89/ Nguyễn Ngọc Bằng,90/ Nguyễn Minh Luật,91/ Nguyễn Chí Tường,92/ Nguyển Chuộng,93/ Đoàn Phước Thuận, 94/Nguyễn Như Lợi,95/Nguyễn Thành Lễ,96/Nguyễn công Chức97/ Nguyễn Minh Hải,98/ Đoàn Công Phúc,99/ Đoàn Văn Hậu,100/Bùi QuangKhánh, 101/Đỗ Văn Khánh,102/Trần Ngọc Thảo,103/Phan Cải, 104/Vũ Văn Cách, 105/Nguyễn Chí Đức,106/Lương Minh Hữu, 107/Huỳnh Tô Hà, 108/Lê Quang Lâm, 109/Nguyễn Trung, 110/Phan văn Thông, 111/Nguyễn Văn Minh Thế, 112/Nguyễn Văn, 113/Võ Trực Tiến, 114/Lê Tôn Dũng, 116/Lê Bá Luyện, 117/Lê Chí Hùng, 118/Nguyễn Toàn Huyện, 119/Nguyễn Viết Hòa, 120/ Hoàng Việt, 121/Trương Đình Trung, 122/Nguyễn Hai, 123/Nguyễn Văn Tư..........?
Cầu chúc các anh tuổi già được an lành.

Và các bạn đã xa, 1/Phạm Mạnh Hùng, 2/Phạm Văn Hòa, 3/Võ Xuân Thảo, 4/Nguyễn Văn Hòa, 5/Nguyễn Đình Khánh, 6/ Lâm Chấn Thời, 7/Nguyễn Văn Phước, 8/Trần quang Niệm, 9/Đinh Văn Vạn, 10/Trương Công Nở, 11/Nguyễn Ngọc Thuấn, 12/Phạm Hồng, 13/Nguyễn Châu, 14/Lê Lâm Thanh, 15/Huỳnh Ngọc Quý......?

                                   Cùng tất cả các bạn Khóa 5,

                                 "Một đoàn trai đi khi xuân tới,
                                  Hẹn rằng gieo tình thương khắp nơi,
                                  Xuân đã mang hương trời
                                  Ta quyết đem hương đời để đây đó thấy mùa thắm tươi.....

                     Rồi,
                                 " Đoàn người tưng bừng về trong nắng sớm, 
                                 Hồn như đám mây trắng lững lờ
                                 Giang hồ không bờ không bến đẹp như kiếp Bohemien......


NT5 Nguyễn Văn Sỹ đã bắt nhịp đoàn quân bước đi oai hùng, ca vang khúc quân hành. Vũ Đình Trường lộng gió, mây bay thật gần, không có khúc ca nào khác hay hơn, rung động mãnh liệt hơn. Đã ba mươi lăm năm rồi, cho đến bây giờ và mãi mãi, những ca khúc ấy vẫn sống trọn vẹn trong các bạn và tôi.

                                                            Thân ái
                                                   NT5 Huỳnh Văn Hưng