Phan rí cửa ngày về

                        

      Tháng bảy, Sài gòn trải qua cơn hạn bất chợt khốc liệt nhất trong năm, dân gian gọi là hạn Bà chằng, những cơn mưa đầu mùa và hai trận bão vừa ghé qua chỉ đủ làm xanh mát hàng cây ven đường và thắm đỏ màu phượng vĩ sân trường, người Sài gòn không mong có mưa bão để làm thơ vì biết rằng ở đâu đó, đồng bào mình đang chịu cảnh” Sáng tránh bão giông, chiều ngăn nắng lửa”. Với hai muà mưa nắng rõ rệt, ngột ngạt khói bụi, cái nóng nung người triền miên, mọi người như đuối sức trong cơn bão giá sinh hoạt và cúp điện luân phiên.

Giữa muà hè, trời bỗng dưng dịu mát và tuyệt đẹp như tiết mùa thu dù chỉ được vài ngày ngắn ngủi, cũng đủ cho tôi bồi hồi nhớ lại vài câu thơ thời hoa niên.

Trời không nắng, cũng chẳng mưa
Chỉ hơi se lạnh cho vừa nhớ nhau


Cơn bão Phượng Hoàng hiền hoà cuối tháng Bảy mang đến cho chúng tôi vô vàn tình nồng ấm, dù cho mưa nắng thất thường, sức khoẻ hao mòn theo năm tháng và mỗi người riêng một hoàn cảnh nhưng có một điểm chung như lời Trần Việt: “ Quỹ thời gian của chúng ta một ngày một vơi đi, có dịp gặp được nhau, có việc nên làm trong tình tương thân tương ái, rất đáng qúy đừng để ngày sau hối tiếc”.

Chiều nay thứ tư 30/7/08 chúng tôi hội tụ ở nhà Phú Long trên 20 người hân hoan vui mừng đón tiếp hai người bạn ở Huế vô là Huỳnh Kim Bảo (Bảo Monkey) và cha con Trần Văn Hội (Hội QQK) đến chung vui với NT5 còn có lòng thương mến của anh Cả Đạm, anh Cả Thế, NT4 Phạm Đăng Hưng, NT4 Hứa Danh Lưu, trong bữa tiệc anh em điểm lại tháng bảy “ Đại hỷ “ vừa qua. Đầu tháng bảy Monkey thình lình vô, anh em Sài gòn tiếp chính thức tại hai điểm là nhà Mạnh và Phú Long, còn ngoài ra những nơi khác như Phạm Quang, Lê Quang Lâm nữa.

Nhân dịp này anh em bàn tính đi thăm các bạn và K6 miền trung đoạn ghé Cam Ranh dự tiệc cưới con gái NT5 Nguyễn Trung. Trong lúc đang còn ở Cam Ranh, nhận được tin Trần Văn Hội ở Huế vô nay mai, anh Ngọc bàn với anh em chuẩn bị đón tiếp Hội cùng ái nữ, thế là cuộc vui lai tiếp diễn, các qúi nương ở nhà lắm phen nhăn mặt phiền lòng, dẫu biết rằng ở tuổi này, chúng tôi nào có phải vì bê tha bia bọt mà vui là chính, gặp bạn là mừng. Xin đơn cử, Phạm Quang ở nhà quản lý 10 bàn bida, cuối tuần là ngày đông khách vất vả, lắm khi bức rức anh than thở với bạn: “ Tôi chừ ra khỏi nhà như chim xổ lồng” chúng tôi được dịp chọc cười: “ Chim anh quang chừ có sổ lồng cũng lè tè bay được bao xa” nụ cười là mười thang thuốc bổ, để gặp được nhau, tránh bất hoà trong gia đình bạn đôi lúc bàn tính làm động tác giả hoặc cử người đến thuyết khách qúi nương.

Ngày 20/7/08 đến Cam Ranh dự tiệc cưới nhà gái, một tuần lễ sau đưa dâu về Sài gòn, theo lời mời của Nguyễn Trung, NT5 và đại diện các khoá khoảng 20 người đến nhà hàng Đệ Nhất quận Tân Bình được nhà trai đón tiếp ân cần, nồng hậu.

Cuộc vui ở nhà Phú Long thật khôn tả, mọi người mang đến nhiều chuyện vui đầy ắp kỉ niệm của người xưa, trường cũ. Theo lời đề nghị cuả Nguyễn Văn Quốc Khoan và NT4 Phạm Đăng Hưng anh em đã quyên góp đuợc một số tiền nhỏ cùng Trần Hội đến giúp cho Nguyễn Văn Ca mắc bệnh nan y và nhắc cho nhau nghe lời thống thiết của bạn mình: “ được anh em quan tâm tới thăm, Ca này như kéo dài thêm cuộc sống được vài gang tấc.”

Không dằn được cảm xúc, tôi đứng dậy xin phép các anh cả, niên trưởng và các bạn được bày tỏ lòng mình qua chuyến đi miền Trung vừa qua.

Đã từ lâu, bạn bè mình ở Sài gòn luôn ấp ủ ngày nào đó sẽ đi nhiều nơi thăm viếng các NT, các bạn phương xa, để cảm thông chia sẻ phần nào gánh tuổi tác, tình trạng sức khoẻ mỗi người. một số còn lao đao vất vả, các vị khấm khá thì anh em mừng cái chính là được đến chia phần vinh dự, hạnh phúc với từng thành viên gia đình NT5 vốn có truyền thống hiếu học, trong đại gia đình Nguyễn Trãi khuyến học.

Ngày 30/3/08 đến Lâm Đồng thăm gia đình Trần Văn Khanh vượt khó nuôi con chăm học, hai đứa tốt nghiệp, còn hai đúa học giỏi anh Vũ Văn Cách K5 có con tốt nghiệp ngày Y, Đỗ Văn Khánh có vườn rẫy tươm tất, con ngoan học giỏi. Vũ Văn Sơn cặp mắt luôn đỏ hoe thâm quầng, làm nghề gò máng sối nuôi 3 con đại học, một đứa tật nguyền và mẹ già đau yếu.

Nếu có dịp điểm lại thế hệ II của K5 có biết bao cử nhân, bác sĩ, kỹ sư, đại học, một phần nhỏ do hoàn cảnh khách quan đã lập thân lập nghiệp đàng hoàng, Phải chăng văn hoá là những gì còn lại sau khi mất hết?

Như một huyền nhiệm Đệ huynh, anh cả Đạm nhận lợi mời đi cùng, chúng tôi hết sức cảm kích và phấn chấn, có anh Đạm như có tất cả.

Xe vào địa phận tỉnh Phan thiết, bỗng anh Ngọc lớn tiếng hỏi: “ Bảo ởi! anh thử kể cho nghe hồi di tản về Lương Sơn, anh cướp cò làm Phạm Xuân Hồng bị thương như thế nào?” từ ghế đầu Bảo quay lại gân cổ cãi, mặt hắn dúm lại, tuôn từng tràng như chim hót. chất giọng Huế pha chút Quảng Trị: “ Anh Ngọc nói bậy bạ rồi để Bảo kể cho nghe” bảo kể hôm ấy bá vai Xuân Hồng đi ngang quan giá súng chữ A vô ý đá đổ, súng cướp cò. cũng may nếu gài Auto thì Bảo cũng đi đứt rối! Hồng bị thuơng vào phổi nhờ Bảo lấy chuỗi tràng hạt nguyện kinh trên đường đến Bv sau được tải thương về Sài gòn, từ đó tới nay mất biệt.

Qua Lương Sơn một đoạn, đến cây cầu gẫy trời đã xế chiều, được Hồ Kỳ Hùng tới đón về Phan rí Cửa, Hùng đưa chúng tôi thẳng đến Khách sạn. Mọi người muốn về nhà Hùng ở tạm qua đêm nhưng Hùng cho biết đã đặt trước 6 phòng để đón anh em, chúng tôi thấy ngại quá! nhà Hùng ở ngay Phan rí Cửa chuyên bán thực phẩm nuôi tôm, bạn còn cửa hàng nữa ở Phan Rang và còn nuôi tôm ở Vĩnh Hảo, chúng tôi gặp được chị Hùng, dáng người thon thả, cao ráo như người mẫu, nhanh nhẹn hoạt bát và thật tốt bụng với bạn của chồng. sau khi thăm nhà, chị dẫn chúng tôi tới nhà hàng sát bãi biển cho ăn nhiều món hải sản tươi ngon và uống bia Ken. Tối về vợ chồng Hùng ân cần ở với anh em, đến khi ổn định phòng nghỉ mới chịu về nhà.

Sáng hôm sau chúng tôi dậy thật sớm ra cửa biển dạo chơi, mỗi người một cảm xúc riêng, dạt dào niềm thương nỗi nhơ với cảnh cũ người xưa.

Nơi đây hơn 30 năm trước chúng ta bước lên thuyền xuôi về Phương nam để từ đó hoà nhập vào tiến trình hoà bình dân tộc, vẫn còn đó những doi cát chạy dài, hàng liễu xanh chắn gió ven biển thấp thoáng những con thuyền, biển trời vẫn mãi trẻ trung, còn chúng ta mái tóc xanh nay nhuốm phong trần, có anh tay cầm máy ảnh hơi run, nói chuyện nhiều kỷ niệm xưa, ấy là biểu hiện của một thời “Trẻ đã qua, già chưa tới” chúng tôi trở về phố lúc 7 giờ sáng đón vợ chồng Hùng cùng đi Cam Rang dự đám cưới con gái Nguyễn Trung đến thị xã Phan Rang vợ chồng Hùng đãi mọi nguời ăn sáng tại tiệm cơm gà nổi tiếng sang trọng. “ Miếng ngon nhớ lâu, lời hay để đời” chúng tôi chỉ biết ghi sâu tấm lòng hào phóng, quảng đại cuả hai bạn trong vườn hoa nhân ái, thắm tình huynh đệ, chúng tôi laị có thêm những bông hoa tuyệt đẹp, ở quê các bạn có một loaị trái ngon sống thanh cao nơi vùng khô hạn, để trưng lâu vỏ càng mỏng thẫm màu son mà trong lòng vẫn giữ nguyên vị mát ngọt và mọng nước.

Đã quá nửa đời người
Hùng vẫn để phần cho
Nơi bền lâu sâu lắng
Một tình bạn: sắt son chẳng phai nhoà


Từ đây, xe vút nhanh quãng đường còn lại để tới cho kịp giờ cử hành hôn lễ tại nhà gái, đến thị xã Cam Ranh rẽ vào đuờng hẹp trước mặt chúng tôi nhũng dãy núi thấp chập chùng bao quan bán đảo Cam ranh dần hiện rõ, đan xen với vải giải đất hẹp phủ màu lam nhạt, thưa thớt cây cối, làng mạc, ở lưng chùng núi lốm đốm những ô vuông như chiếc chiếu, khối trắng bốc nghi ngút làm chúng tôi chạnh nhớ hình ảnh các cư dân đốt nương làm rẫy trong “Chiều” của Phạm Duy

Không biết bạn mình ra sao nơi góc bẻ, chân núi này? mọi người im lặng lơ đãng phóng xa tầm mắt cùng đè nén cảm xúc của mình.

Đến nhà Nguyễn Trung khoảng 10h30 đúng lúc cử hành hôn lễ, căn nhà trệt khang trang nổi bật trong vùng quê êm ả đang đông chật người chứng kến những nghi thức trang trọng... anh cả Đạm cảm ơn, chúc mừng hai họ và tặng quà đôi tân hôn.

Gia đình NT đến dự gần 30 người, có NT3 Thắng ở Nha Trang, võ chồng NT5 Phước Đức, anh em K6 và nhiều qúi nương, bên hông nhà Trung dựng rạp xanh đỏ thật đẹp chứa khoảng 30 bàn và một sân khấu hoành tráng. người Cam Ranh thật thân thiện, phóng khoáng và một cây văn nghệ không thua bất kỳ dân các thành phố lớn mà chúng tôi từng tham dự. Theo lời yêu cầu của vị đại diện nhà gái, bằng tất cả khả năng và tâm tình, tôi góp vui nhạc phẩm “Cho con” của cố nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu:

“ Ba sẽ là cánh chim, đưa con đi thật xa, mẹ sẽ là cành hoa, cho con cài lên ngực, ba mẹ là lá chắn, che chở suốt đời con, vì con là con ba, con của ba rất ngoan, vì con là con mẹ, con cuả mẹ rất hiền. Một mai con khôn lớn, con đi khắp mọi miền, con đừng quên con nhé, ba mẹ là quê hương!”

Sau hơn 30 năm, lần đầu tiên tại buổi tất niên 2007, không thể nhận ra được Nguyễn Trung trong hình hài ốm đen, tuy vẫn còn đó cặp mắt tròn to, sống mũi thẳng, cái miệng trái tim như con gái và tiềm ẩn cả một nghị lực phi thường.

Hôm nay “ Thị mục sở tại” chúng tôi mới biết vợ chồng Nguyễn Trung đã cho con mình tất cả, các bạn vắt cạn tâm trí, mài mòn sức lực trên mảnh đất khô hạn, bạc màu để lo cho 5 đứa con thành người, Người nông thôn thường nói, để lo cho một đứa con học đại học là tiêu tốn một cơ nghiệp.

Cô cháu gái hôm nay gả chồng là giảng viên trường Đại học Ngoại thương, chú rể là Giám đốc một công ty phần mềm, các cháu đang độ tam thập, người em trai năm cuối đại học kinh tế, cô gái út đang học năm 2 công nghiệp thành phố.

Người thợ rừng sung mãn năm xưa, nay xuống sức, mỏi mòn, cô nữ sinh Đồng Khánh nõn nà, thướt tha tà áo trắng, sau năm 75 cùng gia đình đi lập nghiệp mới, để rồi:

“Một duyên hai nợ âu đành phận
Năm nắng mười mưa chẳng quản công”


Thành dâu hiền của nhà Nguyễn Trãi. chúng ta nguyện xin ơn trên thêm sức khoẻ và nghị lực để chị vượt qua căn bệnh hiểm nghèo đang mang trong người nhiều năm qua.

Một lần nữa vô cùng thán phục anh thợ rừng Nguyễn Trung nuôi con ăn học thành người trong lúc vợ lâm trọng bệnh, quả là một nghị lực phi thường

Là trụ cột trong gia đình, còn phải tận tâm tận lực, phấn đấu không ngừng nghỉ, bởi trước mặt anh còn nhiều ưu tư, trăn trở cho 4 người con là những cây non đang đâm chồi nảy lộc, chúc gia đình anh toại nguyện, cùng dìu dắt nhau đến tận bến bờ hạnh phúc.

Cuộc vui đến lúc tàn, cô cháu gái trong tà áo cưới với cái dáng nước da cuả mẹ, cặp mắt to tròn, luôn nở nụ cười hồn nhiên đôn hậu trên đôi môi được cha cho, đứng cạnh anh chồng đẹp trai lại có tài, là con của một gia đình công chức cao cấp ở Phú Nhuận.

Bằng chất giọng Sài gòn pha chút Huế mộng mơ” Con rất vui mừng và cảm ơn các Bác đã đến với gia đình chúng con”

Quả thật, tự tận đáy lòng, chúng tôi muốn nói lời cảm tạ, tri ân nhưng lại sợ làm xao động niềm hạnh phúc vô biên xen lẫn tự hào, vinh dự được dự phần vào vu muà bội thu, thắng lợi. Các bạn đã gieo những hạt giống tốt trên mảnh đất kém phì nhiều, tưới cho chúng bằng dòng suối mát của tình yêu thương, ấp ủ thần khí tinh anh” khí hạo nhiên chi đại chí cương” bàng bạc trong trời đất, trải qua bao thăng trầm, gian khó, chúng vươn lên, đơm hoa kết trái, cây lành trái ngọt.

Rồi đây đến lúc chúng ta trở về bên kia, nơi miền” viên miễm chiêm bao” là thời khắc của bao huy hoàng tráng lệ. Ngẩng cao đầu, ca khúc khải hoàn với khí tiết lẫm liệt của kẻ sĩ.

“Anh hùng tử, chí hùng bất tử” Trọng kính tấu lạy cùng anh linh cụ tổ, đấng chí thánh, vị khai quốc công thần triều đại nhà Lê, danh nhân văn hoá thế giới bằng hết lòng khiêm tốn: ‘’ Hậu duệ cuả ngài phần nào hoàn thành nghĩa vụ”

Cảm ơn các cháu đã cho chúng tôi niềm tin và hi vọng. Gia đình mới vừa hình thành sẽ là tế bào sung mãn tốt lành biết bao của xã hội hôm nay! với vị thế của giai cấp trung lưu khấm khá, giới trí thức, công nghệ, có năng lực đích thực góp phần dẫn dắt các thế hệ sau trên con đường phát triển đất nước, làm đẹp thêm giang sơn gấm vóc, đáp lại ước nguyện của các bậc tiền nhân, ấy là lòng Đại nghiã, lễ Chí nhân, là nghiã cử cao đẹp, phong cách báo hiếu thiết thực các cháu đã thể hiện rỗi.

Đối với đất trời 30 năm không bằng “ Vó câu qua cửa sổ’’ mà có thể cũng đủ cho chúng ta chiêm nghiệm về tuổi trẻ, tình yêu với những khát vọng cháy bỏng của tuổi đôi mươi, về những bước thăng trầm đã qua, cùng ưu tư cho thành tựu hôm nay.

Trở về Phan Rí cửa, với biển xanh, cát trắng, nắng vàng gió lộng nơi trầm tích những vì sao sáng của dân tộc, Phú Long bỗng thốt lên “ mình nhỏ bé quá” như lời nhắc nhở, chúng tôi chợt bàng hoàng nghe như âm vang lời trần tình thống thiết của vua Lê Thánh Tông trong khúc Quỳnh Uyển Ca: “ Ức trai tâm thượng quang Khuê Tảo”

Đắm mình với nắng ấm ban mai dịu dàng trên biển, từ nơi bền lâu sâu lắng tỏa sáng lung linh nhiệm màu những nhân cách thanh cao trong gia đình Nguyễn Trãi hiện diện nơi đây

- Anh cả Đạm, NT Vũ Qúy Ngọc, NT4 Phạm Đăng Hưng, tư chất đĩnh đạc, phong cách mẫn cán, công minh, cư xử đứng mực, luôn là chỗ dựa tinh thần trân trong của mọi người.
- Hà Minh Tuấn, Phạm Quang, Phú Long là những già làng K5 ở với bạn như bát nước đầy, là cái bóng khiêm tốn của mọi thành công, khi vui cũng như lúc buồn.
- Vợ chồng Hồ Kỳ Hùng cho chúng ta một ngạc nhiên thú vị, một kỷ niệm khó quên. giữa giòng đời bon chen tầm thường, ngổn ngang vật chất danh lợi tỏa sáng một nhân cánh đáng nể trong” Với bạn vô vụ lợi, với người hào sảng vô biên

Những người thực hiện hành trình” Phan rí Cửa ngày về” xin nghiêng mình ghi lòng tạc dạ tấm chân tình ưu ái nồng hậu của gia đình Nguyễn Trung, anh chị thông gia và các cháu qúy mến dành cho, mong được dịp báo đáp và không quên lời thăm hỏi, tri ân đến bà con Nha Trang, Cam ranh cùng nội ngoại thân tộc xa gần.

Xin cảm ơn chư vị, qúy Huynh đệ đã đón nhận bài viết này trong tình thân ái, xẻ chia.

Sài gòn, muà Vu lan 2008  -   Đỗ văn Mạnh

>>