Mẹ ơi ! Ngày ấy đâu rồi ???

       Lời phi lộ

        Thưa quý bạn hữu nội ngoại, xa gần. Hai mươi năm qua, Nguyễn Văn Ca đã trở thành biểu tượng cho tình bằng hữu tương thân tương ái cao đẹp, cũng như lòng trắc ẩn vô biên của NT5 dành cho người bạn không may mang căn bệnh thâm căn cố đế, bất trị!
     Với số tiền chúng ta giúp đỡ mỗi năm một hai lần, anh trân trọng chắt chiu để dành thuốc thang, nhất là khi bệnh trở năng phải đi bệnh viện cấp cứu.
    Đặc biệt các bạn ở xa, miền Trung, miền Tây,mỗi khi có dịp đều không quên về Dĩ An Sông Bé ghé thăm ủy lạo. Tuy vật chất khiêm tốn nhưng chan chứa tình bạn hữu thân thương, giúp Nguyễn Văn Ca vượt qua nỗi đau thể xác và thêm niềm tin vào con người, vào cuộc đời, kéo dài sự sống thêm vài khoảnh khắc.
    Đã bao lần chúng ta chứng kiến Nguyễn Văn Ca chết đi sống lại, đúng là muốn chết không xong, khuôn mặt xanh nhớt, thân mình trơ xương nằm dán xuống giường bệnh viện. Hai cánh tay sưng húp, các ngón tay nổi u nần, biến dạng cong queo như quả chuối sắp thối vỏ đen xì, chỉ có một chân còn coi tạm được, chân kia phù to như chiếc gối ôm đen sạm. Bàn chân voi, hang ổ như tổ đỉa. Lúc này anh nằm bất động, tiểu tiện tại chỗ, chờ bệnh viện phẫu thuật.
    Bệnh tình của anh trồi sụt như con nước thủy triều, anh đã sống chung với nó bao nhiêu năm qua như người dân miền Tây sống chung với lũ. Ở nhà, anh tự tay bóp nặn ra từng chén máu mủ, thỉnh thoảng lại trải qua những cơn chết giả.
    Bác sĩ chuyên khoa bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, anh còn kéo dài được mạng sống đến tận bây gìờ là điều rất lạ. Bởi vì số thuốc đặc trị dùng trong thời gian quá dài khiến cho bao tử con người không thể nào chịu đựng được. Đó là kỳ tích số một thuộc về cơ địa, thể trang của Nguyễn Văn Ca.
    Trong chúng ta rất ít người biết và quan tâm đến hoàn cảnh gia đình cũng như cuộc s9ống nội tâm của Nguyễn Văn Ca. Những gì cùng với bệnh hoạn đã giằng xé, day dứt đến tột cùng nỗi thống khổ mà chúng ta không dễ gì thấy được nơi con người giầu lòng tự trọng, bản chất lạc quan như anh.
   Nỗi đau tinh thần Nguyễn Văn Ca đã trải qua còn lớn hơn gấp nhiều lần vật vã thể xác. Nó là căn bệnh trầm kha đeo đuổi anh hơn hai mươi năm qua và đi đến một kết thúc hãi hùng, bi thảm chỉ cách nay vài tháng....
  Anh không sụp đổ, lại chiến thắng số phận nghiệt ngã như một phép lạ nhiệm màu. Giá là một nhà văn, tôi sẽ xin phép anh, được dùng ngòi bút để thể hiện nỗi đau tột cùng của tinh thần cũng như thể xác và nghị lực sống phi thường của anh thành câu chuyện để đời.
  Xin anh cho phép chúng tôi được chia sẻ tâm tình với bạn bè của chúng ta cùng với lời tạ ơn. Vì chính nhờ anh mà tôi tìm thấy tôi như một câu nói :" Hạnh phúc và sức khỏe là những gì chúng ta không thấy khi đang sở hữu chúng!".
   Cũng như một câu chuyện: Trần Thành Bảo khóc mùi mẫn, cảm ơn Lê Ngọc Ẩn giúp mình số tiền theo Bảo thì quá lớn để dùng vào việc thành " Công dân mới" và hợp thức hóa căn nhà ở "Thành phố Ma", từ đó có cơ sở để được đền bù thỏa đáng khi bị giải tỏa.
   Lê Ngọc Ẩn cười xòa :"Mày đừng bận tâm, tao phải cám ơn mày mới đúng !". Cám ơn Ẩn ( Một người theo phái Thiền ). Với câu nói đơn giản, ngắn gọn, đã góp phần thay đổi não trạng của tôi. Còn bây giờ tôi xin phép bắt đầu câu chuyện :

                                           Mẹ ơi ! Ngày ấy đâu rồi ???

  
Những cơn mưa tấp tập xối cả vào mỗi buởi chiều, có khi rả rích suốt đêm, báo hiệu mùa mưa Nam bộ sắp kết thúc.

   Ngoài sâm , cỏ dại và những bụi sả đua nhau mọc đến tận lưng người, che khuất cả cánh cổng, làm cho nếp nhà ngói nhỏ bé, thấp lè tè thêm phần hoang phế, lạnh lẽo !
  Con đường đất nliên xã không trụ nổi qua mùa mưa, để lại những "hố voi" lênh láng nước và bùn, khiến cho mọi sinh hoạt ,đi lại của người dân ngừng lại lúc mặt trời lặn .Thỉnh thoảng vẫn xảy ra những vụ giật dọc, trấn lột bởi con nghiện và những kẻ cùng đường nơi xóm làng của Hai Ca.
  Mấy bữa rày Hai Ca trở bệnh, có thể do thời tíết quá xấu .Anh nằm bẹp, chân gác lên thành giường mà vẫn không chịu nổi cơn đau râm ran từ những tổ đỉa và khớp xương biến dạng, thỉnh thoảng mê sảng trong cơn sốt nhẹ. Anh muốn chết quách cho xong!!!
  Giật mình, từ nhà ngoài, anh cố sức gọi lớn tiếng :
- Bà ơi, 8 giờ rồi mà không đi ngủ. Khuya làm sao dậy nổi
  Không có tiếng trả lời. Anh linh tính có chuyện bất thường, nên gượng dậy lê bước ra sau bếp vì thoáng thấy có bóng người.
- Mày tìm kiếm cái gì ? Giờ này còn không về nhà ngủ`? Sớ rớ đó làm gì ?
 Anh nạt thằng con trai. Thằng Quang tần ngần trả lời nhát gừng :
- Con tìm ổ khóa đặng khóa cửa cho ba chớ có gì đâu ?
   Hai Ca quát lại :
-Tao không thèm nhờ, mày về ngủ đi !
  Bếp nhà anh và bếp nhà thằng con cách nhau vài sải tay, hai căn nhà nằm vuông góc, trên mảnh đất cha mẹ anh để lại.
  Hai Ca hồi hộp, lo âu, vì dạo này vợ chồng thằng con hết sức căng thẳng. Thằng Quang lầm lì suốt ngày, nét mặt đấy cô hồn ám, báo hiệu một quyết định táo bạo, khủng khiếp sẽ xảy đến. Với linh tính của người cha, Hai Ca cảm nhận như có một áng mây đen đang bao phủ nhà anh.
  Ba tháng nay, từ khi nó về gia đình, mang theo án tử của một con nghiện nhiễm HIV, trở thành gánh nặng cho vợ chồng anh. Nó như bóng ma vật vờ, thành một phế nhân từ khi đi theo tiếng gọi của ma quỷ.
  Đứa con dâu tự nuôi sống mình bằng nghề bán mỹ phẩm. Thỉnh thoảng về thăm con trai sáu tuổi và hối thúc chồng ly dị. Có lẽ chúng còn mắc mứu chút tài sản chung theo luật định là căn nhà mà thôi.
  Hai Ca thao thức đã lâu mà vẫn không ngủ được. Giờ đây mọi việc rối như tơ vò, anh thấu đáo mọi việc từ căn nguyên cội rễ. Nhưng bất hạnh thay, lại không có đủ khả năng giải quyết hài hòa, đành phó mặc cho con Tạo xoay vần.
  Hai giờ sáng ! Mưa đã dứt hẳn, chỉ còn bản đồng ca của đủ loại côn trùng quanh sân nhà, ru êm mọi người chìm sâu vào giấc mộng.
      Bỗng có tiếng la thất thanh của người phụ nữ trẻ :
- Ba ơi! Cứu con ! Nó giết con, nó giết con ! Ba ơi cứu con !!!!..... 
  Tiếng la hét mỗi lúc một lớn ,mà chỉ có mình Hai Ca thoảng nghe được trong giấc ngủ chập chờn.
  Ban đầu, anh cứ ngỡ là có ai đó kêu cứu ngoài đường như thường xảy ra nơi miền quê mất an ninh này.
     Nhưng liền sau đó, anh bật dậy , la lớn :
- Thằng khốn kiếp nó hành động rồi ! Trời ơi!... Cứu.... Cứu!....
   Bản năng trỗi dậy, anh quên cả đau, lê tấm thân tàn đến cửa bếp nhà thằng con :
-   Mở cửa ra mau, thằng khốn nạn !... Mở cửa ra mau,...! mở cửa ra mau....!
  Cánh cửa bếp mở toang, một cảnh tượng hãi hùng mà anh là người chứng kiến đầu tiên.
  Thằng cháu nội sáu tuổi la hét hoảng loạn chạy ra trước, trên mình máu nhuộm đỏ từ đầu đến chân. Kế đến là thằng Quang, con anh, ở trần, trên bụng lòng thòng ruột và máu tuôn xối xả, lảo đảo bước ra sau. Nó lủi vào bụi sả kéo theo vết máu linh láng.
    Còn trong nhà , đứa con dâu đã tắt thở !!!...
Đêm hôm xảy ra án mang, Hai Ca chết xỉu tại chỗ. Mọi việc lo toan hậu sự và khắc phục hậu quả được các em trai, em gái của anh đối phó tạm ổn. Còn Hai Ca thất thần, chết lặng như cái xác không hồn.
  Hai Ca là con trưởng trong gia đình đông con ( mười hai người, nay còn chín ), có tiếng bề thế, nề nếp. Giòng tộc đông đúc, lập nghiệp lâu đời trên mảnh đất Dĩ An hiền hòa này.
  Các em của Hai Ca , kể cả cô Sáu Hiền mặc dù còn độc thân, cũng cất nhà xum vấy trên khu đất rộng lớn của cha mẹ anh để lại. Họ quyến luyến, cưu mang, đùm bọc nhau thành một đại gia đình, thể hiện truyền thống thiêng liêng còn tìm thấy nơi những miền quê yên bình.
  Sau cơn bão táp kinh hoàng, sáng nay, sinh hoạt của gia đình Hai Ca trở lại bình thường, vợ anh bắt đầu đi chợ trở lại, thằng cháu nội còn ở bên ngoại chưa về. Cô sáu Hiền mang cho  anh bát cháo, gọi anh dậy ăn rồi bước ra sân chăm sóc bầy gà.
  Qua khung cửa sổ, nhìn sang nhà thằng con. Những gì anh cố gạt khỏi tâm trí trong mười ngày qua bỗng chốc nhạt nhòa như những thước phim đứt đoạn.

  Thằng quang còn chút tình với anh và con nó. Đêm hôm ấy nó cố ý khóa trái cửa bếp bên ngoài để anh khỏi chứng kiến thảm trạng đau lòng. Nó sợ anh không chịu đựng nổi do bệnh quá nặng và tim anh đã tan nát vì biết bao lỗi lầm ,phũ phàng của mẹ con nó!!

 Hùm dữ chẳng nỡ ăn thịt con. Nó đã kịp dừng tay không sát thủ đứa con trai sáu tuổi, nhờ còn sót lại chút thiên chức làm cha và tình người.

  Ma quỷ đã xúi giục nó âm thầm làm sẵn ba con dao lớn nhỏ. Nó toan tính sau khi giết vợ, sẽ dành con dao nhỏ nhất cho đứa con rồi sau đó mổ bụng tự sát.
  Nhờ ơn trên, sống chết có số, đứa cháu nội đích tôn không chết. Còn thằng Quang muốn chết cũng không được. Ý trời ! Nó được cứu sống. Trong ngục tối đang chịu sự phán xét của tòa án lương tâm và bản án sắp tới của loài người.
   Tại sao ra nông nỗi này? Hai Ca ráo hoảnh, không còn nước mắt buồn tủi cho thân phận mình. Trong cô đơn, trống vắng, anh nén tiếng thở dài để nơi tiềm thức khơi dậy một nỗi buồn...
   Hai mươi năm trước, khi lâm bịnh, người vợ đầu có với anh hai mặt con bỏ ra đi sau khi làm ăn liều lĩnh, phá sản, để lại tai tiếng, công nợ.
  Hai Ca che căn chòi lá cạnh mỏ đá Châu Thới ở tạm, bởi vì căn nhà ở Dĩ An đã bị vợ anh thế chấp vay nợ ngân hàng. Đúng lúc này, Gia đình Nguyễn Trãi tìm đến chia sẻ, nâng đỡ tinh thần Hai Ca đang lúc sa sút trầm trọng.
   Bệnh hoạn, trắng tay,Hai Ca cùng đường trong lúc hai đứa con, một gái một trai, đang khôn lớn từng ngày. May thay! Đại gia đình anh đã dang rộng vòng tay cưu mang và trông coi hai cháu. Sẩy mẹ con bú vú dì, chú cũng như cha, vẫn còn đó như một truyền thống thiêng liêng.
   Gia đình đổ vỡ, thằng Quang không được cái nôi tình cảm quyến luyến của cha mẹ nuôi dưỡng, che chở và thiếu rèn luyện bằng một nền tảng đạo đức tâm linh hướng thiện.
  Hơn thế nữa, nó rơi vào môi trường xã hội xuống cấp trầm trọng nhiều vấn đề : Tôn thờ vật chất, hưởng thụ khoái lạc, thụ động, ích kỷ.....
  Còn ý thức tâm linh dựa vào các hệ thống tôn giáo nhờ đó con người nhận biết mình sống để làm gì? Chết đi về đâu? Có chịu trách nhiệm và trả giá với những việc làm ở đời này sau khi bước sang thế giới bên kia? Người ta đã loại bỏ từ lâu rồi!!!
  Thằng Quang trưởng thành, vạm vỡ như một chàng thanh niên tuấn tú, cũng có nghề nghiệp như ai, rồi lấy vợ, có nhà riêng để lập nghiệp.
 Đại gia đình của Hai Ca nghĩ rằng như vậy là đã làm tròn nhiệm vụ của mình và yên tâm khi thấy các cháu có một gia đình hạnh phúc .Họ đã làm hết sức mình để đem về cho gia đình, dòng tộc một đứa con, đứa cháu tốt lành.
  Mọi người đã thất vọng! Vì thằng Quang thiếu hẳn hai trụ cột chính để có thể được gọi là con người theo đúng ý nghĩa cao đẹp của nó, Đó là :
                    Đời sống tình cảm và ý thức tâm linh !
Nó đã trở thành phế nhân mà mắt thường con người không thấy được. Nó hoàn toàn mất sức đề kháng trước cơn cám dỗ của khoái lạc, hưởng thụ, ích kỷ và đớn hèn.
   Đã đến lúc ma quỷ cướp nó đi khỏi vòng tay yêu thương của nhân loại.
   Hai Ca cố lê bước chân nặng nhọc, đau đớn ra khỏi nhà. Anh muốn qua nhà Tổ, cách nơi ở độ vài chục mét. Chú Chín được giao phần hương khói, nhưng vì công việc nên mang vợ con đến một tỉnh khác xa nhà. Đến nay, cây thị lớn đại, tàn lá che kín cả bên hông nhà bếp, trải qua bao mùa trái chín trĩu nặng mà chú Chín chưa chịu hồi hương.
      Căn nhà Tổ trở nên vắng lặng hơn kể từ khi cô sáu Hiền, dù còn độc thân, nhưng quyết dựng nhà riêng cho mình trên phần đất gia tộc gần đó. Cô cũng mong có một gì đó cho riêng mình.
       Sau khi thắp nhang bàn thờ, Hai Ca run rẩy bước đến thỉnh chuông và râm ran khấn nguyện. Anh đã thực sự tìm được bằng an, yên định trong làn khói trầm hương và tiếng chuông siêu thoát. Hai Ca thổn thức tâm sự với cha mẹ mình :
  " Mẹ ơi! Ngày ấy, nhà mình lúc nào cũng vui và đầy ắp tiếng cười đùa của bọn trẻ. Mặc dù công việc thất thường hay vắng nhà nhưng sáng nào cha mẹ cũng dậy thật sớm dành ít nhất nửa giờ để hỏi han, khuyên bảo và phân công việc cho từng đứa con. Sau đó cha đi làm, còn chúng con đến lớp học.
   Nhà mình lại đông con, đến bữa ăn có vài con cá, mớ rau, mẹ gắp hết cả cho chúng con. Con hỏi sao mẹ không ăn, mẹ trả lời không biết ăn cá! Sau này, khi lớn lên con mới hiểu là mẹ đã dành hết tất cả cho chúng con và mẹ còn phải lo nhiều thứ như quần áo mặc, chuyện học hành, khi đau bệnh....
   Mẹ về chợ, có đồng bánh đa cũng bảo phải chia nhau cho đồng đều. "Xay lúa thì khỏi ẵm em", đứa lớn trông đứa bé, đứa nào việc nấy. Là con trai đầu lòng mà con ẵm em, làm bếp có kém gì ai?
   Ngày ấy, mọi người yêu thương, đùm bọc, quyến luyếm chia sẻ cới nhau trong một mái ấm gia đình, nên hôm nay chúng con nỡ bỏ nhau sao đành???
      Mẹ ơi! Ngày ấy đâu rồi !!!?
  Người ta thường nói " Họa vô đơn chí!", Không biết nỗi trầm luân thống khổ này bao giờ mới hóa giải được ?
  Gia đình Hai Ca lại càng túng quẫn, khủng hoảng tài chánh, bởi nguồn thu chỉ trông mong vào xe bán bánh mì của chị Hương (vợ sau của Hai Ca)  .
  Đại gia đình Hai Ca đã giúp một số tiền lớn để chôn cất đứa con dâu và làm nguôi ngoai nỗi đau đớn tột cùng của bên sui gia.
  Mặc dù tuổi cao, lại còn bê bết với bệnh thấp khớp kinh niên, thế nhưng khi Hai Ca gặp đại nạn, chú Tám vẫn lăn xả, tận tâm tận lực cứu gia đình ông anh mình.
  Sóng gió đã qua, bây giờ chị Hương như mọi ngày, tần tảo một nắng hai sương nuôi chồng và nuôi đứa cháu nội của chồng.
  Đúng như luật bù trừ
, ông Trời có mắt, nên thương cảm ban cho anh một nghị lực và sức khỏe bền bỉ. Nụ cười rạng rỡ, chân thành không bao giờ thiếu trên khuôn mặt phúc hậu của người phụ nữ tóc điểm sương, mỗi khi gặp bạn của chồng, cũng như khi có ai đó hỏi thăm về hoàn cảnh, cuộc sống của mình. Chị cam chịu, đón nhận như một hạnh phúc vô biên.
   Xuất thân từ một gia đình nghèo, chồng chết sớm, để lại cho chị gia tài là những đứa con ít học, nhận thức kém cỏi, nên mỗi đứa đi mỗi ngả. Bất hòa và xung đột là chuyện cơm bữa trong gia đình chị Hương.
  Đã bao lần chị toan tính chối bỏ, mong tìm cửa Phật để phủi sạch bụi trần. Nhưng nào thoát được định mệnh, nghiệp chướng trầm luân.
  May mắn thay! Chị gặp được vị Thiền Sư, từ đó chị ngộ ra, bể khổ trần gian nếu không làm giao động được lòng ta, không che nổi nhãn quan, nhận thức của ta về một thế giới đang cần sự chia sẻ, từ bi hỉ xả, thì nó có thể trở thành mảnh đất phì nhiêu, màu mỡ để "cánh rừng công đức" tốt tươi, sung mãn.
  Ngược lại, chay trốn, chối bỏ là "đốm lửa vô minh" sẽ thiêu rụi hoàn toàn tất cả.  Chị quay về, vui lòng đón nhận thực tại như một "sứ vụ" Thượng đế đã trao gửi cho mình.
    "Thời gian giải Ảo, vô thường giải Ngộ". Chị tin rằng khổ đau rồi cũng qua mau, kiếp này sớm phôi phai thôi. Có định mệnh nhân quả, có thưởng phạt công minh và " sắc sắc không không"  trong một cõi vô thường.
  Gần đây vài năm, khi nỗi thống khổ của Hai ca đạt tới đỉnh điểm thì chị Hương và anh gá nghĩa vợ chồng. Đúng vào lúc anh cần chị giúp đỡ mình vượt qua nỗi đau thể xác, gánh nặng tuổi tác và chia sẻ những biến động, phong ba bão táp đến với gia đình anh. Chị thực sự là điểm tựa tinh thần tối quan trong của Hai Ca.
  Họ đến với nhau chẳng vì tham dục mà nặng về chữ Tình. Hai cuộc đời tan nát! Cũng là kiếp người mà ngày vui của họ có bao nhiêu ??
 Họ trở nên một gia đình để có nơi chốn đi về, quan tâm chia sẻ với nhau. Tìm được hạnh phúc bằng cống hiến, phục vụ và quên mình hy sinh cho nhau.
  Trên chuyến xe muộn màng về xum vầy với Hai ca, hành trang chị Hương mang theo đong đầy kỷ niệm một thời con gái.
  Kỷ niệm ấy ngào ngạt hương thơm cánh đồng lúa trổ bông, tanh tanh của bùn ruộng sau thu hoạch, thơm tho áo trắng và màu giấy học trò.
  Kỷ niệm ấy ngan ngát hương bưởi sau nhà, để chàng thanh niên một lần thơ thẩn "nhớ ai ra ngẩn vào ngơ? ".
  Kỷ niệm của một thời khát khao, ước mơ, hiến dâng và lãnh nhận.
      Họ gọi nhau là người xưa, là cố nhân thay cho hai tiếng "mình ơi ".
 Hai ngày nay chị Hương ở nhà vì xe bánh mì bị Công An hốt về đồn trong chiến dịch làm đẹp đường phố, chuẩn bị đón tết Nguyên đán. Vợ chồng Hai Ca được dịp hàn huyên tâm sự.
     Chị đỡ anh dậy, cho anh uống ly sữa đậu nành nóng mới mua về :
- Anh Hai ơi, có chỗ đang cần ngườiphụ làm bánh bao. Em tính đi làm đỡ lấy cơm ăn rồi qua TÊT mình liệu sau. Hai Ca mệt mỏi trả lời:
- Ừ...Em tính sao cũng được. Anh biết gì đâu mà nói !
     Đợi anh uống hết ly sữa, chị Hương hỏi tiếp:
- Còn chuyện anh Ẩn định mang xe đưa tụi mình về Saigon dự tất niên, anh tính sao?
      Hai Ca nói lảng qua chuyện khác:
- Em à, anh suy nghĩ hoài, một mai anh ra đi rồi em sẽ ra sao? Căn nhà này đâu phải của mình, hơn nữa đám con em lúc này gây khó dễ làm anh thấy khổ tâm hết sức. Em ở đây với anh rồi được cái gí?
     Chị Hương gượng cười chua chát và hỏi lại anh lần nữa :
- Anh không chịu trả lời em, có về Saigon dự tất niên không để rồi còn báo lại cho anh Ẩn. Còn chuyện đó ,em không muốn anh quan tâm đến. Ngày mai có ra sao em cũng không màng tới, đã nói hoài rồi sao cứ nhắc lại, để thời giờ tính chuyện khác không hơn sao ?Em muốn anh đi gặp đông đủ bạn bè một chuyến cho đỡ buồn, chớ tinh thần xuống dốc thế này thì sao sống nổi ?
     Nghe vợ nói những lời chí tình, Hai Ca thấy yên tâm, vui vẻ hơn :
- Về cũng phải, để rồi báo lại cho anh Ẩn. Nhưng phải có em đi nữa nghe...,thằng Mạnh có tiếng trực ngôn, bỗ bã. Nó nói em là Bồ Tát cứu khổ cứu nạn cú anh, chính xác, em còn trên cả tuyệt vời .
    Chị Hương cười chói lói, hết mình. Tiếng cười ấy hình như tắt ngúm mấy ngày qua.
- Thôi đi anh Hai, từ ngày về em mới nghe anh nịnh được câu quá xá !
    Từ hôm đi họp mặt tất niên về, Hai Ca thay đổi nhiều. Đầu óc anh bớt lẩn quẩn, quay cuồng bởi những chuyện cũ. 
    Khuôn mặt, cá tánh của từng thằng bạn cùng Khóa hơn ba mươi năm gặp lại, cùng biết bao chuyện vui buồn, kỷ niệm thời trai trẻ nơi Trường Mẹ làm anh xao xuyến, bồi hồi.
    Hai Ca từng là dân Kỹ Thuật Cao Thắng, cùng thời với NT4 Nguyễn Văn Trung và NT4 Nguyễn Xuân Mạnh, có Tú Tài,phạm tội bất phục tùng nên bị đi học khóa HSQ. Ra trường, nhận nhiệm sở tác chiến tại Tiểu Khu Chương Thiện.
   Ngày từ giã đơn vị để về trường, may mắn có xe tiếp tế đạn, Hai Ca xin quá giang về Khu Chiến Thuật.  Thân thể đen sạm, mang bộ treillis nhuốm đỏ phèn, Hai Ca trình diện quân trường sau các bạn một tuần lễ. Từ đấy , anh có thêm một biệt danh là Ca "đen".
    Ca "đen" khỏe và bền sức như một vận động viên chuyên nghịêp. Anh nhanh nhẹn, tháo vát, bởi đã từng là người lính tác chiến dạn dày kinh nghiệm.
         Anh Hưng"mập" nhận xét về Ca "đen" thật chân thành :
- " Bà mẹ. Nghe tiếng dế kêu tập họp, mình lúp xúp vừa chạy, vừa cột dây giầy, ra đến sân đã có nó rồi. Thằng này lẹ như con cheo! lần nào cũng vậy !"
    Các môn văn, võ, thể dục, Ca 'đen" đều khá cả. Anh là một tiền đạo sắc bén của đội tuyển bóng đá K5, với cái chân trái có duyên làm bàn và cực kỳ nhanh nhẹn !

    Trong Tuyển Tập Lửa Alfa của K5 30/3/1974, Ca "đen" còn là một cây bút xuất sắc với bài "Ghi Vội", bút danh Nguyễn Văn Ca, IB6, có đoạn viết :

   " Thời gian tiếp nối trôi qua cùng những nhọc nhằn, mồ hôi gian khổ thấm từng lớp áo. Có nhiều bạn bảo nhỏ với nhau :" Chắc tao Thác trong mùa Tân Khóa Sinh này". Tuy nhiên, gì rồi cũng qua đi, chúng ta đã vượt qua được đoạn đường gian khổ, để đạt mục đích :
    Đó là Alfa ! Là giai đoạn Tân Khóa Sinh kết thúc !
Chúng ta hãnh diện nhìn về tương lai, đủ trưởng thành nơi cuộc sống mới của một Tân Sinh Viên Sĩ Quan và chúng ta sẽ tiếp nối con đường các bậc đàn anh đi trước. Quyết thi đua học tập, làm rạng danh cho Trường và xứ sở!"  
 

   Trang 14 của Tuyển Tập Lửa Alfa có đăng bài thơ " Đi trê
n đường Quê hương", cĩng của Nguyễn Văn Ca, IB6 :

                               Đường ta đi quân trường vang tiếng gọi
                              Bước oai hùng, vang dội bốn nghìn năm
                             Nào vùng lên, ta nung chí kiêu hùng
                             Quyết chiến đấu, hy sinh vì Tổ Quốc

                            Rồi một mai, gian nguy và khổ nhọc
                            Có sá gì, nhiệt huyết một đời trai
                           Máu và xương, anh đã đổ hôm nay
                           Là xây đắp cho tương lai gấm vóc

                          Đường ta đi, những bước chân ngà ngọc
                          Đem niềm tin, xoa dịu vết thương đau
                          Và bàn tay ,vun xới lại vườn rau
                         Đơm hạt giống, lên màu tươi luống cải
                        
                         Đây nụ hồn nhiên, trên môi thơ dại
                         Đây câu hát vang ,điệp khúc thanh bình
                         Từng bóng dừa, là ngọn sóng lung linh
                         Khơi mạch sống, đượm thắm tình Dân Tộc

                        Núi sông ta, đang dang tay mời mọc
                        Những người con, của Tổ Quốc Anh Hùng
                        Đem xác thân, rửa sạch mối thù chung
                       Làm rạng giống Lạc Hồng trai đất Việt.

        
Trong cuộc thi giải " Hùng biện", Ca 'đen"tỏ rõ quan điểm, nhận thức của mình :
Kỷ luật và tình đồng đội tạo nên sức mạnh cho Quân Đội. Ca "đen" đã trưởng thành sau thời gian tôi luyện nơi trường mẹ, để có được phong cách chuẩn mực của người CB/CTCT.
     Chả thế mà sau ngày hòa bình, Hai Ca chỉ mất khoảng sáu năm vất vả, khổ cực, đập đá và làm ruộng cải thiện cho công trường ở mỏ đá Châu Thới.
     Trong hàng vạn trỷ viên đá sản xuất ở mỏ đá Châu Thới, người ta đã tìm thấy một viên đá màu đen rất quý ! Đó là Ca "đen" !
    Hai Ca được làm công việc quản lý, thoát khỏi cảnhlao động chân tay vất vả, vợ con cũng được mát mặt. Nhưng hỡi ôi! Trời không chiều lòng người, thời gian được sống cho ra kiếp người ngắn chẳng tày gang. Hai Ca lâm bệnh và thảm kịch bắt đầu từ đây !!!
    Thời gian luôn là phương thuốc nhiệm màu chữa lành mọi vết thương thể xác cũng như tâm hồn. Có thể nói như vậy qua biết bao trải nghiệm của mỗi người chúng ta, kể từ sau biến cố 1975 đến nay. Mất hết, chỉ còn nhau !
   Bệnh hoạn mỗi ngày gặm nhấm, bào mòn thân xác Hai Ca đến độ cùng kiệt, cùng với những thảm trạng đau lòng liên tuc hôm nay, đặt dấu chấm hết cho tương lai vô vọng.
   Tất cả không đánh gục được Hai Ca nhờ bản chất lạc quan, tinh thần còn sáng suốt kèm với nghị lực phi thường. Bị hóa giải và đầu hàng trước một chàng trai đã từng có một thời trào dâng nhiệt huyết và lý tưởng, khao khát yêu thương và dấn thân phục vụ.
   Quả thật, con chiến mã năm xưa của K5 đã chiến thắng số phận nghiệt ngã bằng thần kinh thép !
   Anh Cả Đạm, NT4 Phạm Đăng Hưng, Trần Văn Địa thường xuyên đến thăm và tỏ lòng thương cảm Hai Ca. Trần Văn Hội ở Huế, Đỗ Thành Phát ở Mỹ, các bạn K5&K6 ở Nha Trang, Cam Ranh, miền Đông, miền Tây, đặc biệt Saigon gần gũi, khi nghe tin Hai ca gặp đại nạn lại càng xót thương, động viên chia sẻ, mong vực dậy tinh thần cho bạn mình.
   Phước Đức, Phương già từng trải qua nhiều lần Tai biến, di chứng là tiếng nói ngọng nghịu, chân bước vẹo xiêu không vững, cũng đã hơn một lần lê bước về Dĩ An thăm Hai Ca. Họ chan hòa những giọt nước mắt long lanh kỷ niệm, những trái tim thổn thức làm não lòng người.
  Ngày xưa, họ siết chặt tay nhau " Đi trên đường Quê Hương" bằng khúc quân hành hùng tráng. Ngày hôm nay,dắt dìu nhau bằngkỷ niệm vì " Đời còn nhiều gian khổ". Kỷ niệm một thời, may thay đã trở thành điểm tựa, là nguồn vui lẽ sống, là thần dược nuôi dưỡng tinh thần họ từng ngày.
  Có đôi lúc Hai Ca mơ màng về tuổi trẻ, tình yêu với những khját khao cháy bỏng, những ngày tháng êm đềm nơi Trường Mẹ. Được trở về với dòng sông tuổi thơ, bên cha mẹ và các em trong một gia đình đầm ấm, nơi miền quê Dĩ An thanh bình hiền hòa này !!!

                                         Mẹ ơi ! Ngày ấy đâu rồi ???

                                               Saigon,chớm Thu.
                                             
NT5 Đỗ Văn Mạnh 

>>