Hưng mập và câu chuyện buôn "ve chai"

Một thời đã qua,
  Một tuổi già đã đến,
    Một nỗi nhớ khôn nguôi .
     Vào thập niên 80 của thế kỷ 20, cuộc sống ở Việt Nam còn muôn vàn khó khăn cho đa số tầng lớp dân cư, trong đó có anh em chúng tôi, những người vừa buộc phải cởi áo lính với tư cách của kẻ bại trận. Cuộc sống khó thở, ngột ngạt, cơm áo gạo tiền cũng là nỗi ám ảnh ngày đêm. Ngày ấy, tôi và anh NT4 Nguyễn Gia Hưng có những kỷ niệm mà mãi đến giờ tôi không thể nào quên.
     Sau khi đứt phim, tan hàng, tôi về học tập một thời gian. Cuộc sống thuận lợi không dành cho những người như chúng tôi, xin việc gì làm cũng không được.
 Để mưu sinh, tôi trở thành gã đi mua đồ ve chai, một việc tận đáy xã hội, ít ai dành, chẳng hạn như đi rao mua quạt máy cũ, survolteur cũ vè tân trang rồi đem bán lại, cuộc sống cũng đắp đỗi qua dần....
      Vào một ngày trong quãng thời gian đó, trái đất tròn anh em lại gặp nhau. Tình cờ gặp lại anh NT4 Nguyễn Gia Hưng, tôi quá mừng. Qua diện mạo và quan sát, tôi nghĩ anh cũng đang khổ lắm đây, áo cũ sờn vai, dép lê mòn, nhớ không rõ thì anh cũng đi chiếc xe đạp cọc cạch lắm, nhưng khuôn mặt đẹp trai vẫn không thay đổi nhiều. Hàn huyên tâm sự đủ điều, anh hỏi: " Hưng mập dạo này làm gì cho anh làm với ". Tôi cũng chẳng giấu nghề, bảo rằng mua ve chai anh có đi không, có ngày trúng mối cũng huy hoàng lắm. Anh như người "buồn ngủ gặp chiếu manh", tán thành liền. Hai anh em vui vẻ ra quán cóc ven đường uống tí cafe và tính toán bàn chuyện "lớn". Mọi việc suông sẻ và tôi nói với anh, anh phải chuẩn bị tư tưởng trước khi hành động, khi đạp xe đạp đi mua đồ thì, tôi đi trước anh đi sau, khi nghe tôi rao to " Có đồ cũ, quạt máy, bình tăng giảm điện bán....mua...", thì anh đi sau và rao lập lại y như vậy, thì thiên hạ mới biết để đem đồ ra bán. Mới đầu anh ngại rồi sau cũng chấp nhận.
    Chúng tôi hẹn nhau 3 giờ sáng, anh về ráng kiếm chút vốn liếng và có mặt để lên đường. Đúng giờ, tôi cỡi con ngựa sắt ( xe đạp thồ ) ra địa điểm hẹn và cũng không sai hẹn, anh Hưng đã xuất hiện, vẫn bộ đồ cũ sờn vai, có thêm chiếc nón không quân. Anh em chúng tôi liền lên đường đi mưu sinh.
     Tôi nói, hôm nay đi Long An, xứ này giáp thành phố, điện đóm chập chờn, bà con nghèo nên bán nhiều đồ cũ. Hai anh em đạp xe đến Bến Xe Chợ Lớn, quăng xe đạp lên mui xe đò rồi chen chúc nhau bám theo chiếc xe đò cũ kỹ, người nêm cứng như hộp cá mòi. Sau 2 giờ cà rịch cà tang thì đến Long An.  Ghé làm ly cafe vớ, uống thêm nhiều nước trà để thay cho ăn sáng và hai anh em bắt đầu đạp xe đi chiến đấu.
     Suốt từ sáng sớm đến xế chiều chúng tôi đạp xe qua mọi ngõ ngách, rao khan cả cổ, giọng Nam bộ có, giọng Bắc bộ có, Nam Bắc đề huề, bà con nghe vui vẻ đem đồ ra bán cũng nhiều. Tôi nhẩm tính đã đủ sở hụi, lãi chia ra mỗi người cũng được khá khá, tôi mừng lắm, tôi nói đi một mình chưa chắc đã được như vầy. Hai anh em bèn vào quán ăn qua loa cho qua bữa. Tôi nói với anh Hưng, món đồ nào còn mới, xịn, thì mình đem ra bán cho anh Minh nhỏ (NT4 Lê Văn Minh), anh có gian hàng bày bán ở phố, anh Minh sẽ mua cho mình đúng giá (không ém giá), mình sẽ lãi nhiều hơn. Anh Hưng cười, nụ cười hiền hậu mãi khắc sâu vào tâm trí tôi.
     Tôi bàn với anh Hưng là, bây giờ về, mình không đi xe đò mà đạp xe đạp về luôn cho đỡ tốn tiền xe. Anh Hưng gật đầu. Ngày đầu đạp xe quá nhiều, len lỏi khắp Long An cũng đã thấm "đòn", nên trên quãng đường ngược từ Long An vè thành phố có đến gần năm mươi cây số, nhưng mới đạp được chừng 5 cây dố, tôi và anh Hưng đã bã cả người. Vậy là phải lên xe đò thôi, tốn tiền mặc kệ tốn tiền.  Chờ mãi cũng đón được một chiếc xe đò , chúng tôi ngoắc lại. May sao, xe chật ních người và hàng hóa mà nó cũng ghé lại đón mình. Phối hợp cùng lơ xe đưa mớ đồ mua được từ sáng đến giờ và 2 con ngựa sắt lên mui xe xong, Lúc này, khúc quanh cuộc đời lại đến với chúng tôi :  Có Công An Giao Thông xuất hiện từ xa! Thằng lơ xe la lên! Tài xế vô số nhấn ga ! Xe vọt lẹ!  Cửa xe đông chật cứng người, hai anh em chưa kịp tìm chỗ bám, xe tăng tốc ngày càng nhanh, hai anh em càng cố gắng chạy nhanh theo, vừa chạy vừa la, nhưng sức người có hạn, làm sao bì được với máy móc, càng chạy càng đuối.....Chiếc xe đò đã mất dạng !....
     Thế rồi, xe đạp và đồ đạc đã bay xa,chỉ còn hai con người rã rời ở lại. Xe cộ quá hiếm hoi, làm sao mà đón được xe khác để rượt theo nó... Ngồi bệt ở ven đường, tôi đau xót nhìn anh Hưng mồ hôi tuôn như suối trên khuôn mặt rám nắng, chỉ có ánh mắt của anh vẫn đầy can đãm chịu đựng. Anh bảo tôi , sắp tối rồi, ráng kiếm xe khác mà về.!
      Sau trận này, anh Hưng cụt vốn bỏ nghề, tôi bị bệnh liên tiếp mấy ngày. Rồi thì cũng vì cơm áo, không có việc gì khác để làm, nên tôi lại quần kiếm vốn, kiếm xe đạp để hành nghề "ve chai" tiếp tục ! Vậy mà nó cũng nuôi tôi gần suốt cuộc đời. Má tôi khi còn sống có nói :" Nuôi nó ăn học đến Tú Tài 2, bây giờ nó đi mua ve chai ". Tôi nghèn nghẹn không trả lời nhưng nghĩ :" Thời thế má ơi, con tay làm hàm nhai, không làm việc gì sai trái, ảnh hưởng đến ai, lòng dạ cũng thanh thản lắm !"
       Trở lại sự việc, tôi thầm nói:
"Anh Hưng ơi ! Giờ này tôi cũng không biết anh ở đâu, làm gì, khi tôi đang viết những giòng này ? Giá mà ngày ấy mọi việc suông sẻ thì vui biết mấy anh Hưng nhỉ, nhưng cũng không sao, cũng vì đó mà tôi với anh mới có những kỷ niệm không quên .
       Và về sau này, tôi thấy đi mua đồ cũ quá "chua", nên tôi tằn tiện kiếm vốn mở tiệm sửa chữa điện, moteur...việc có đỡ hơn, có sự cộng tác của NT5 Đoàn Công Phúc bốn mắt, và em trai của NT1 Nguyễn Đình Xuân, sự nghiệp được hanh thông hơn.
        Giờ đây, vài chục năm trôi qua, gối mỏi chân mòn, tôi vẫn nhớ không nguôi hình ảnh anh NT4 Nguyễn Gia Hưng đẹp trai với nụ cười hiền hậu nhưng khuôn mặt không thiếu nét cương nghị và anh NT4 Lê Văn Minh xử thế việc gì cũng có tình có lý, ở trong Trường mẹ cũng như ở ngoài đời, với đàn em tôi thấy chữ tình đậm nét hơn. Các anh Vũ Quý Ngọc NT4, các bạn NT5 Đoàn Công Phúc, Võ Quốc Khoan, Nguyễn Ngọc Hùng, Ngô Quốc Hùng, Nguyễn Văn Sỹ (già)... đã hơn một lần ghé qua tiệm điện của tôi, làm sao quên được .
        Còn bạn Nguyễn Văn Nhân NT5, mình đã trình diện trước đồng đội và đã sơ lược về cuộc sống, đừng cho mình ra Trung Sĩ nữa nhé, mình sợ như Luyến và Hiếu đã bị Nhân cho ra Trung Sĩ rồi đấy.
                                                                             Thân ái
                                                                  NT5 Huỳnh Văn Hưng 

>>

 

- Cái quíu chân và những giọt nước mắt - Lương minh Hữu

- Truyện ngắn mùa Xuân - Trần văn Hội

- Hung thần Xưa và Nay - Đỗ Mạnh

Nhật ký Dakmin ,mùa cafe chín - NPLong

Tôi về Phan rí trông ra biển - LMH

- Như một nhiệm mầu hồi sinh - Đỗ Mạnh

Thân phận một chiếc nhẫn của Đỗ Mạnh

RỘN RÀNG ÂM HƯỞNG TÂY NGUYÊN - NT5 Đỗ Mạnh

Ông Đại diện của Nt5 Đỗ Mạnh

- Còn một chút gì của Nt5 Lê quang Thanh

- Lễ trao nhẫn truyền thống LQT 

- LỜI TRẦN TÌNH của Nt5 Lê quang Thanh

Kỷ niệm đẹp của anh em và Hưng Mập - Một thời Tân khóa sinh

- Hưng mập và câu chuyện buôn "ve chai"

- Cánh chim lạc bầy đã tìm về tổ ấm – “ Huỳnh văn Hưng

SỰ NHƯỜNG NHỊN CỦA ĐÀN ÔNG ;Thân tặng bạn NT5 Hòang Văn Định cùng bà xả - LCK

Kỷ vật cho con  của Đỗ văn Mạnh

-  Tình Bằng Hữu-Bạn Già - LCK

Đà Lạt còn đó nỗi buồn  (Nt4 PĐH)

NHỮNG CẢM TÁC LÃNG MẠN

MẶT TRỜI CHƯ SÊ của Đỗ Mạnh

Mẹ ơi ! Ngày ấy đâu rồi ??? (viết về Ng.văn Ca với lời phi lộ của Vq. Ngọc)

Vui buồn cùng Siu Phem của Đỗ Mạnh

La-Gi  quê tôi...thế đó..! (của Hoàng văn Định)

Hồi ký T.xã Lagi và cánh chim lạc đàn Nguyễn Tụ 25/4/2010 của P Long

-  Hè về với lời tạ ơn - Nt5 Đỗ Mạnh (18/4/2010 )

NHẬT KÍ TẤT NIÊN KỈ SỬU K5 QUỐC NỘI của Đỗ văn Mạnh – 28/1/2010

CÓ MỘT CÂY LÀ CÓ RỪNG của nt5 Đỗ Văn Mạnh

CÂU CHUYỆN TỪ CHIẾC NHẪN TRUYỀN THỐNG  NT5 Đỗ văn Mạnh

Họp mặt 35 năm Alpha… của Nguyễn văn Nhân

Ngẫu hứng trầu cau (của Đỗ văn Mạnh)

Anh vẫn là anh ( Viết về Nt1 Mg.mạnnh Tường Của Huỳnh kim Bảo 1/6/09 )

Tây Ninh ký sự (của Đỗ văn Mạnh)

Hồi Tưởng của NT5 Trần Văn Hội ,ngày gắn Alpha

- Kính gửi  nàng dâu của gia đình Nguyễn Trãi (Nt5 HKA)

- Nàng Dâu Nguyễn Trãi - Tương Trợ Nt5

- Cảm nghĩ của Nt5 TĐT vể Nàng Dâu Nguyễn Trãi

Hành trình của Nt5 -  Ng.văn Nhân

- Ký ức Đà Lạt trước năm 1975 (thctct)