Phan Rí Cửa một thị trấn nhỏ nằm ven biển thuộc huyện Tuy Phong nhiều nắng và gió đã hằn sâu trong ký ức của tôi. Đã hai lần đến thị trấn này nhưng là hai lần đến trong những hoàn cảnh tìm cách xuôi về Nam . Lần đầu cách nay 36 năm những ngày đầu tháng tư năm 75 từ vùng cao nguyên xinh đẹp Đà Lạt cả trường Nguyễn Trải về đây vượt biển xuôi Nam, một kỷ niệm buồn không bao giờ quên trong ký ức mọi người. Ba mươi sáu năm sau vào những ngày đầu Xuân , sáu tên học trò trường Nguyễn Trải làm một chuyến du xuân đi thăm các bạn đồng môn ở Tây Nguyên rồi về Phú Bổn,Tuy Hòa, Nha Trang ,mồng 8 tết tới Nha Trang thì không tìm ra xe để về nhà vì ngày này là cao điểm ai cũng xuôi Nam. Cả bọn thuê taxi về Cam Ranh , 12 giờ khuya Tưởng NT6 ra đón về nhà.Sáng hôm sau Hồ Kỳ Hùng ở Phan Rí Cửa hay tin hai vợ chồng Hùng đem xe ra đón cả đám về Phan Rí Cửa ở lại đó một đêm ngày hôm sau Hùng đưa tất cả về nhà Hoàng Văn Định ở Lagi Hảm Tân sau đó con của Định đưa cả đám lang thang này về Sài Gòn. Một chuyến đi về Phan Rí Cửa ngoài dự kiến với nhiều kỷ niệm khó quên. Nhớ tới tấm chân tình của vợ chồng Kỳ Hùng đã vượt hằng trăm cây số để đi đón đám bạn “cơ nhở” trên đường về nhà….

Đêm trên cầu sông Lũy

Đầu tháng bảy vừa rồi Kỳ Hùng gửi vào cho tôi 01 thùng tôm thẻ khoảng 5kg và nhắn lại “ ăn tôm xong nhớ thu xếp ra thăm lại Phan Rí, tao đợi tụi bây ở ngoài này, có đi tụi bây nhớ dắt vợ đi theo cho vui”. Hẹn với Kỳ Hùng mình và các bạn sẽ thu xếp ra Phan Rí. Điện thoại thông báo cho Ngọc, Mạnh, Quang râu, Khoan, Ngọc Ẩn, Xuân Hồng, Hùng ngố, Lâm say, anh Huỳnh NT2 anh em tụ lại nhà tôi làm một tiệc tôm hấp bia cuốn bánh tráng rau sống. Buổi tiệc hoành tráng duy nhất 01 món tôm Phan Rí được hấp với bia. Trong bửa tiệc tôi rủ rê mọi người ai thu xếp được thì sẽ làm một chuyến đi ra Phan Rí chơi trước là thăm vợ chồng Kỳ Hùng sau nữa là  tìm lại những kỷ niệm đã có ở  vùng đất ven biển này.

Sau vài lần dời đổi ngày đi, đầu tháng tám khởi hành đi Phan Rí. Hẹn với vợ chồng Trầm Hùng cùng với vợ chồng tôi cùng nhau đi ra bến xe Miền Đông mua vé xe giường nằm đi Phan Rí Cửa.Mười giờ rưởi xe chạy, đến ngả 3 Vũng Tàu xe dừng lại đón vợ chồng Công Khanh. Riêng vợ chồng Mạnh sẽ đi chuyến xe 20h ra sau. Hai giờ chiều xe dừng ăn cơm tại trạm dừng chân căn cứ 4 Hàm Tân tranh thủ mua một ít trái cây đem theo. Bốn giờ chiều xe đến Phan Rí, điện thoại cho Kỳ Hùng ra đón cả đám đi bộ về nhà Kỳ Hùng gần đó. Tắm rửa nghĩ ngơi một chút rồi vào bửa cơm tối.Thịnh soạn theo phong cách miền biển, gỏi cá mai, mực xào xả ớt, cháo cá bớp + tôm. Chị Hoa (vợ Kỳ Hùng) đem ra một chai Remi Martel nói “ mấy ông uống rượu mới ăn được nhiều.” Rôm rả chuyện trò, thưởng thức món gỏi cá, mực và rượu ngon, rất vui. Ăn xong vợ chồng Kỳ Hùng dẫn bọn tôi đi lang thang dạo phố của thị trấn Phan Rí. Dưới ánh đèn cao áp vàng những con phố ở thị trấn này rất yên tỉnh và có chút gì lặng lẽ. Cả nhóm kéo đến cầu sông Lũy, ban đêm đứng trên cầu gió lồng lộng dưới ánh đèn cao áp vàng nhộn nhịp người mua bán, ăn uống trên cầu . Cây cầu này mới xây xong bắc qua phía xã Hòa Phú, cầu rất đẹp nhưng xe lưu thông rất ít, chủ yếu là dân địa phương ngồi ăn uống và hóng gió trên cầu. Tôi và Công Khanh chụp một số ảnh nơi đây, hơi tiếc vì ban đêm nên không thấy rõ được những quang cảnh dưới sông Lũy và cửa biển mà sông này đổ ra.

Về nhà sắp xếp chổ ngủ , qua một chặng đường dài sáu giờ đồng hồ nằm trên xe hơi mệt nên mọi người dễ an giấc. Hai giờ khuya vợ chồng Đổ Mạnh đến bến xe Phan Rí điện thoại cho Kỳ Hùng, tôi và Hùng ra đón vợ chồng Mạnh về nhà như vậy là đủ quân số của chuyến lảng du này.

Cổ Thạch …. đá, biển xanh biếc và gió

Sáng hôm sau hẹn 5 giờ đi tắm biển nhưng mãi 6 giờ cả đám mới lên xe Kỳ Hùng chở ra bải biển cách đó khoảng 1km. Do còn ảnh hưởng của cơn bảo tuần trước nên biển nhiều sóng và nước bị đục. Tranh thủ chụp vài bức ảnh bình minh ở bải biển rồi xuống vọc nước biển . Sóng vổ, nước biển mặn, gió, cát…tất cả miên man, bềnh bồng làm nhớ lại miền ký ức cách nay 36 năm ở vùng biển này 14 chiếc tàu cá chở cả trường xuôi Nam.

Nắng lên cả nhóm lên bờ tắm lại nước ngọt . Ở gần bải biển có 02 giếng nước ngọt rất ấm,  múc nước từ giếng lên tắm xả hết cái mặn và cát của biển. Kỳ Hùng chở cả nhóm về nhà chuẩn bị đi ăn sáng và đi chơi biển Cổ Thạch. Quý bà, quý ông tươm tất ra xe , riêng tôi và Trầm Hùng đi xe gắn máy do Trầm Hùng lái. Theo hướng đường ven biển ghé vào một quán bên đường ăn sáng, quán nho nhỏ bán món ăn sáng đặc trưng của Phan Rí : bánh hỏi cá nục kho nghe lạ quá . Chủ quán dọn ra một dĩa bánh hỏi, rau cải tươi xanh, bánh tráng mè , một cái tô nhỏ dùng đựng xương cá. Cá nục cắt từng khúc nhỏ kho trong một nồi to đầy nước có màu cam cam được múc ra vào tô cho mỗi người. Rỉa lấy xương ra nếu sợ mắc xương, tôi thử nhai miếng xương cá nó mềm rục rất ngon…bỏ uổng. Mùi cá thơm không tanh, ngọt thịt, bánh tráng mè (bánh đa theo cách gọi ở Sài gòn) nhúng nước cuốn với bánh hỏi, rau sống và cá nục kho sau đó chấm với nước cá kho và đưa lên miệng…Ngon và rất lạ miệng ,ngoài bánh hỏi còn có bánh nghệ đó là một loại giống như bún nhưng được ép thành từng mãnh cũng cuốn với bánh tráng mè,rau và cá kho. Một buổi ăn sáng của người Phan Rí. Ăn xong cả nhóm đi uống cà phê ở một quán gần đó. Quán cà phê này mới mở chủ là một Việt kiều ở Pháp về mở quán, quán nhìn hướng biển, lộng gió vị trí của quán rất đẹp.                           Buổi sáng hóng gió biển cùng nắng sáng bên ly cà phê hàn huyên cùng bạn bè cảm thấy có cái gì đó thanh thản, an bình và nhiều cảm xúc.

                           Tiếp tục hành trình theo đường ven biển hướng Cổ Thạch. Xe Kỳ Hùng chạy trước, Trầm Hùng chở tôi theo sau trên xe gắn máy, tay sẳn máy ảnh canh me đoạn đường này ghi lại hình ảnh của chuyến đi. Mười tám km theo ven biển cảnh quá đẹp , dọc theo ven biển là hai bên rừng dương mát rượi trong ánh nắng của miền biền nhiều gió và cát trắng. Thỉnh thoảng có những quảng đường mà hai bên là ruộng muối đang thu hoạch. Hết  ruộng muối rồi lại rừng dương xanh mát. Cổ thạch là một vùng núi đá ven biển bao la là đá, đá lớn đá nhỏ có tảng còn nguyên khối to như mái nhà với nhiều hình thù kỳ lạ .Đến Cổ Thạch gửi xe đi lên chùa Hang hay còn gọi là chùa Cổ Thạch. Chùa nhỏ tựa vào núi đá nhìn thẳng ra biển, hôm nay vắng khách tham quan nên có vẽ yên tỉnh .Tranh thủ xin một quẻ xăm, số 53 ra nhờ mấy thầy giải xăm báo xăm tốt mọi việc đều thành công may mắn vào mùa thu. Phía sau lưng Công Khanh đang canh me chụp hình lúc mình đang ngồi nghe giải xăm. Xung quanh chùa là những khối đá to chồng lên nhau tạo ra những hình dáng lạ hoặc thành những hang nhỏ. Đứng trên một ghềnh đá cao có tượng Phật bà Quan Âm nhìn hướng ra biển một màu xanh ngắt xa thẳm, mênh mông mênh mông. Rời Chùa Hang các quý bà không quên lựa chọn cho mình vài món trang sức lưu niệm được bày bán trong những gian hàng dọc theo đường lên chùa. Cách Chùa khoảng 500m là bải biển Cổ Thạch, cả nhóm xuống bải biển tham quan, đứng trên những hòn đá chụp hình. Trời nắng gắt nhưng gió biển thổi lồng lộng rất mát. Ở chơi nơi bải biển đến trưa rồi lên xe về lại Phan Rí. Vẫn con đường ven biển có rừng dương xanh mát và những ruộng muối trắng xóa. Về nhà ăn trưa, hàn huyên rôm rả sau đó nghĩ ngơi  đến chiều. Ba giờ chiều chị Hoa vợ Kỳ Hùng nói “ để tôi cho mấy ông uống cà phê bốn ngàn đem tới nhà bảo đảm ngon hơn cà phê mà mình uống ban sáng”. Chị gọi điện thoại một lát sau có người mang đến nhà mười ly cà phê sữa thơm phức giá 4.000 đ/ly. Ngạc nhiên chưa, cà phê rất ngon và quá rẽ. Uống cà phê xong cả nhóm kéo nhau đi chợ. Ngôi chợ nằm phía sau nhà Kỳ Hùng, nhỏ bé ,cũ kỹ.Vì là vào buổi chiều nên vắng vẽ chỉ có một vài gian hàng bán khô và một dãy bán cá, tôm… và một con đường bán linh tinh đồ gia dụng và trái cây. Tôi nói với Công Khanh ra chụp hình cổng chợ có chử  “Chợ Phan Rí Cửa”. Kỳ Hùng nói chợ này từ trước 1975 đến nay như vậy không có gì thay đổi hết. Rời chợ sau khi đã mua một ít khô, rẽ qua một con phố khác đang có một nhóm người bày sò, ốc bán dưới đường. Cả nhóm dừng lại xem những con ốc, sò rất lạ như ốc voi, sò mai , sò cùi nhiều lắm không nhớ hết. Chị Hoa chọn mua mấy ký sò cùi, con sò này có hình dáng giống bàn tay cùi nên có tên như vậy. Tên thì xấu nhưng thịt ăn rất ngon và võ rất nhẹ. Lại có một buổi tối với những món ăn đặc trưng của Phan Rí, sò cùi hấp chín chấm với một loại nước sốt giống như mù tạt màu xanh loại sốt này chị Hoa mua ở Nha Trang  ăn rất ngon. Kế tiếp món gỏi vịt ăn với bún, đây là món độc đáo do chị Tư chị của chị Hoa nấu thoạt nhìn tưởng là cà ri vịt nhưng không phải. Thịt vịt, thịt ba rọi xắt nhỏ nấu với cà xay nhuyển, nước cốt dừa .. thực ra món này khó tả lại lắm. Ngon và rất lạ miệng…Ăn xong Kỳ Hùng rũ mọi người đi hát karaoke cách nhà hơi xa, bắt xe ôm chở đi 3000đ/người . Một tối ở quán Karaoke tuyệt vời toàn là những giọng ca bất hủ Kỳ Hùng với những ca khúc của Từ Linh- Đoàn Chuẩn, bà xã Trầm Hùng chuyên nhạc Trịnh, Công Khanh với những giai điệu Tango...

Một ngày thật tuyệt vời

Một ngày ở Vĩnh  Hảo với …tôm

Ngày thứ 3 ở Phan Rí Cửa, sáng sớm lên đường đi ra Vĩnh Hảo cách Phan Rí Cửa hơn 30km nơi có những ao tôm của Kỳ Hùng, hôm nay là ngày  thu hoạch tôm . Từ ngã 3 Phan Rí theo Quốc lộ 1A hướng Nha Trang đi về Vĩnh Hảo trên đường đi ghé thị trấn Liên Hương đi chợ mua thức ăn cho buổi trưa ở Vĩnh Hảo . Thị trấn Liên Hương cách Phan Rí 8km trông có vẽ sung túc nhộn nhịp hơn  Phan Rí Cửa. Đi chợ xong tiếp tục lên đường sau khi ghé vào một quán phở ở đầu thị trấn ăn sáng tại đây. Từ Liên Hương đi Vĩnh Hảo đường có nhiều đoạn hơi xấu trên đường đi gặp nhà máy phong điện với những trụ quạt gió cao to với 3 cánh quạt đang nhờ sức gió tự nhiên quay vòng, từ những tháp quạt này dòng điện sẽ được sản sinh ra. Gió cho ta mát mẽ và cho ta điện xài…cám ơn gió nhé.

Nửa giờ sau đến nơi nuôi tôm , xe  và công nhân thu mua tôm chờ sẳn, dưới ao tôm có mấy người làm của Kỳ Hùng đang chuẩn bị dụng cụ bắt tôm. Không khí nhộn nhịp, đoàn “du khách” tham quan các ao tôm, có những ao đã thu hoạch rồi thì có người đang dọn dẹp làm vệ sinh chuẩn bị cho lần thả tôm nuôi tiếp theo. Sau đó bà chủ quán cơm ở Trà Vinh chị Huệ bà xã Trầm Hùng bắt đầu vào bếp chuẩn bị nấu ăn cho buổi trưa gồm khách và công nhân. Tôi và Khanh ghi lại những hình ảnh sinh hoạt nơi đây. Dưới ao tôm công nhân dùng lưới có gắn hệ thống kích điện bằng bình ắc quy, tôm dưới đáy ao bị kích điện nhảy vào lưới và lưới được kéo vào bờ tôm được xúc lên. Trên bờ chị Hoa và một người của Công ty thu mua tôm với viết, giấy trên tay ghi lại số lượng của mỗi lần cân. Việc cân đong nhanh chóng xem ra không có gì phức tạp nhưng việc đo đếm để xác định xem 1kg tôm có được bao nhiêu con mà trên cơ sở đó mới định giá mua, bán tôm thì phức tạp hơn. Xem ra công việc này không dễ dàng gì,trước tiên bên bán và bên mua xúc ngẫu nhiên 2 rổ tôm từ số tôm đã được vớt lên sau đó đem cân số tôm này và đếm xem được bao nhiêu con, sau cùng lấy số tôm đó chia cho số kg đã cân được để xác định bình quân 1kg có bao nhiêu con cho nguyên một ao tôm này. Công việc này gây ra nhiều tranh cãi giửa hai bên mua và bán vì bên mua đánh giá chất lượng tôm xấu tốt thêm bớt một con, hai con từ số tôm mẫu này, nhưng rồi cuối cùng vẫn đạt được thỏa thuận cho từng ao tôm về số con cho 1kg. Tôm sau khi cân xong được đưa lên xe và được muối đá để giữ   cho tươi sau đó mới chở về nơi chế biến. Ngạc nhiên với từ “muối tôm” tôi hỏi một anh công nhân đang làm công việc này và được trả lời như sau “ Muối tôm là ướp tôm với nước đá , cho vào một thùng nhựa lớn một lớp tôm,sau đó là 1/3 cây nước đá, rồi một lớp tôm, 1/3 cây nước đá cho đến đầy thùng cuối cùng là một lớp nước đá bên trên .

   Xong một ao tôm thì cũng đã trưa mọi người ngưng tay và dùng cơm trưa, bửa cơm trưa khá tươm tất do chị Huệ nấu nhanh chóng được dọn lên, mọi người vào bàn ăn, không khí vui vẽ nhộn nhịp. Một thau tôm hấp chín bốc khói thơm lừng, kế bên là chai rượu thuốc của Kỳ Hùng mang theo được rót ra,mọi người cùng cạn ly…Một buổi trưa nhiều cảm xúc.

   Sau khi ăn cơm xong, tiếp tục vớt tôm cho hai ao còn lại, công việc quen thuộc diễn ra dưới cái nắng  không chút dịu dàng cho đến xế chiều thì xong. Hơn 7 tấn tôm cho lần thu hoạch này. Gặp Công Khanh đang từ một vườn cây gần đó đi ra Khanh nói ” tao phát hiện một vườn cây trôm vào chụp hình đẹp lắm, mày vào xem” tôi đi cùng Khanh vào vườn cây trôm. Một đặc sản của vùng này, cây cho mủ, mủ trôm giá rất đắt khoảng hơn 200 ngàn 1kg. Ngày hôm qua ở Chùa Hang  Cổ Thạch có bày bán rất nhiều. Vườn cây trôm trồng thành từng luống thẳng tắp giống như vườn cây cao su, ghi lại một vài tấm hình nơi đây để nhớ nơi đây ngoài tôm ra còn có cây trôm nữa.

   Công việc xong hết thì cũng ngã về chiều cả nhóm trở về Phan Rí, đường về gió thổi ngược rất mạnh ngang qua nhà máy phong điện tranh thủ chụp vài tấm hình các “cây chong chóng “ này. Về đến nhà các bà tranh thủ đi chợ mua cá đem về Sài Gòn. Chị Hoa chu đáo chuẩn bị “muối” tôm cho mỗi người đem về nhà làm quà.Tối nay Mạnh, Khanh, Hùng và các bà vợ sẽ về trước, riêng tôi và bà xã ở lại sáng hôm sau về.

   Bửa cơm tối ấm cúng được dọn ra, trong bửa ăn Đổ Mạnh có vài lời bộc bạch cám ơn tấm chân tình của chị Hoa và Kỳ Hùng đã cho cả nhóm có những ngày nghĩ thư giản ở Phan Rí rất vui va nhiều cảm xúc. Tối đến trong lúc ngồi chờ xe đến đón cả đám quây quần trước hiên nhà trò chuyện. Những tràng cười vang lên khi Công Khanh bị bà xã tố khổ. Xe đến, tiển vợ chồng Mạnh, Khanh, Hùng lên xe.

Có chút gì bâng khuâng bên bải biển ngày xưa

   Sáng hôm sau, dậy sớm ra quán cà phê đối diện nhà Kỳ Hùng uống cà phê, chị Hoa bảo” anh Hùng chở anh Hữu đi ăn sáng chổ bán bánh xèo, xong mua về cho tôi và chị Hữu, hai đứa tôi đi chợ cho kịp để 8h anh Hữu ra xe về”. Kỳ Hùng chở tôi đến quán bánh xèo, còn sớm quán chưa dọn. Hùng nói” thôi lên xe tao chở mày một vòng xuống bải biển ngày xưa mà tụi mình xuống tàu xuôi nam”. Bải biển ngày xưa nay là một cảng cá nhỏ, xung quanh xây tường có cổng vào. Dưới bải là những tàu, thuyền đang cập bến hơi yêng ắng. Dừng lại nơi đây một lát, cố nhớ lại những ngày đầu tháng tư năm 75 ở nơi đây, khơi dậy niềm ký ức ngày nào hiện ra có một chút gì bâng khuâng. Lên xe đi tiếp qua nhũng con phố nhỏ cũ kỷ với những ngôi nhà tường lợp ngói âm dương, thị trấn này qua mấy mươi năm hình như vẫn còn đó nhiều dấu ấn của thời gian trước 1975. Vòng trở lại quán bánh xèo, quán đã dọn ra, kêu ra mấy cái bánh xèo. Đây cũng là đặc sản Phan Rí, bánh xèo làm bằng bột gạo được đổ trên một cái khuôn tròn nhỏ sau đó cho vào đầu mực, tôm, thịt ăn với rau sống, Nước chấm là tô cá nục kho với nước sốt sóng sánh vàng. Kế bên quán bánh xèo có một ông chuyên bán cơm rượu, ăn bánh xèo xong uống một ly cơm rượu là mới đúng điệu dân Phan Rí.

  Về nhà thấy chị Hoa và bà xã tôi đang làm mực và đầu cá bớp muối đá để mang về nhà. Thu xếp công việc xong cũng đến giờ ra xe về lại Sài gòn, có một chút gì lưu luyến. Kỳ Hùng đưa chúng tôi ra bến xe chờ đến khi xe chạy rồi mới về nhà. Xe xuất bến từ từ bỏ lại thị trấn Phan Rí Cửa phía sau. Miên man suy nghĩ về những ngày qua, cám ơn tấm chân tình của vợ chồng Kỳ Hùng đã cho bạn bè những ngày nghĩ thật tuyệt vời nơi thị trấn ven biển nhiều kỷ niệm này. Thôi thì xin tạm mượn mấy câu thơ trong bài thơ “ Ngày trở lại Phan Rí “ của nhà thơ Huỳnh Hữu Võ gửi cho nhà văn Đoàn Thạch Biền mà tôi có dịp đọc qua để làm lời kết cho chuyến lãng du này:

  Tôi về Phan Rí trông ra biển

   Một thành phố nổi một rừng sao

  Ở đây lắm mực nhiều tôm cá

  Nguồn sống cư dân tự thuở nào

                                        Lương minh Hu --  Mùa thu 2011