Dẫu mà giầu có ngàn vàng

                 Đố ai mua nổi một tràng mộng xuân

Thưa quý bạn hữu nội ngoại, xa gần, có đôi lúc chúng ta thấy thể xác mỏi mệt và cảm nhận thật rõ cái hữu hạn của cuộc sống. Tuy nhiên không hề phủ nhận cuộc sống vô vàn quý giá! Một số bạn đã về với cõi hư vô, những năm gần đây nhiều bạn” tuột dốc không phanh” như là: Phước Đức, Phương già, Kim Ân, Kim Bảo hoặc đang gồng mình chịu bệnh và khó khăn triền miên như Nguyễn Tất Đạt ở Trị An Sông Bé ( mới đây vừa nhận được chút ít trong số tiền của nàng Dâu ân nhân, đúng vào lúc cần tiền đi tái khám bệnh, thật là: “Miếng khi đói bằng gói khi no”

Ngạc nhiên và xót xa nhất là Lương Minh Hữu IIC9. Một doanh nhân sống giữa núi thuốc tây của cả nước bỗng lâm bệnh nặng! và còn nữa….

Sau bao năm phiêu bạt theo dòng cát bụi, chúng ta vui lòng đón nhận tất cả những gì đang đến với mình. Âu cũng là thuận theo quy luật thời gian và hệ lụy đào thải.

Thế nên, khi có dịp gặp lại nhau, chúng ta tạm gác lại những gì của hôm nay và quá khứ để sống lại “ tuổi thanh xuân”, cùng nhau ngụp lặn nơi dòng sông thanh sạch, tinh tuyền của tuổi trẻ, tình yêu với những khát vọng cháy bỏng của tuổi đôi mươi. Đó là sự thật chúng ta đã từng có, không phải chỉ ở trong mơ, để phải mải mê đi tìm và có khi thất vọng.

Chiều ngày 2/4/2010 trong lúc đang ngơ ngác tìm người ở bến xe Miền Đông thì có tiếng gọi lớn:

-     Ê Mạnh. Em đi đâu vậy?

Tôi đứng lại, mừng quá khi thấy anh chị NT2 Luật đang ngồi uống nước đợi xe.

-     Dạ, em đi Gialai dự đám cưới con NT6 Lý Thi

-     Ồ hay quá, anh chị cũng đi đám cưới con Lý Thi đây

-     Tôi vội vã chia tay anh chị Luật

-     Em đang đi tìm NT6 Còn và Kiệt. xin hẹn gặp lại anh chị ở Gialai nhé

Anh chị Luật có nhiều kỉ niệm với Gialai trước 1975, vào năm 2007 anh chị về Gialai thăm người quen, sau lần đó dành nhiều cảm tình cho gia đình NT Gialai. Hẹn có dịp sẽ trở lại.

Còn với tôi, đám cưới chỉ là cái dịp để đến thăm gia đình anh em, gồm có: NT4 Võ Văn Hùng, NT5 Đoàn Văn Hậu, NT5 Nguyễn Minh Hải và NT6 Lý Thi

Sau đó vào 14H ngày 3/4/2010 NT5 Phan Cải và NT6 Quang Tuấn từ Vạn giả Tuy Hòa đến nơi. Vào lúc 17 giờ cùng ngày NT6 Tưởng và Tùng từ Cam Ranh đến trong sự vui mừng chào đón của mọi người.

Như vậy, ngoài anh chị Luật ra, K4 có anh Hùng, K5 có 4 người, K6 có 6 người cùng các quý nương đến dự tiệc cưới vào trưa chúa nhật phục sinh 4/4/2010 trong bầu không khí thân tình, thắm thiết.

Chúng tôi được tổng cộng 4 đêm 3 ngày thoát khỏi cái nóng nung người, ồn ào bụi bặm của Saigon để đắm mình vào xanh thẳm của đại ngàn Tây Nguyên, cùng với sương khói dịu dàng, nắng ấm ban mai nơi phố núi cao từng làm say đắm lòng người

Gia đình Lý Thi cho chúng tôi chỗ ở khang trang, tiện nghi cùng phương tiện đi lại để đi chơi và thăm viếng nhiều người thân quen

Những ngày hiếm hoi trong đời tôi nơi phố núi cao tràn ngập niềm vui và hạnh phúc không thể nào quên được. Mọi người thật là mãn nguyện

Ngoài ra Lý Thi là người tôi ấn tượng, đã từng giới thiệu với các bạn về những người con chăm ngoan đang làm việc tại công ty cầu đường và viễn thông thị xã. Nay lại được biết thêm chàng rể lớn đường hoàng chững chạc và cô con dâu mới. Tất cả đều là viên chức có học vi.

Tôi muốn được chia phần vinh dự và hạnh phúc với gia đình Lý Thy

                                                 Tất cả kho tàng trên trái đất này

                                    Không thể sánh bằng hạnh phúc trong gia đình

                                                  “Dạy con đọc sách thánh hiền

                                              Còn hơn để lại bạc tiền đầy rương”

                                                                                 (Danh ngôn)

Tôi tự hỏi: Vợ chồng Lý Thi cùng là công nhân lao động trực tiếp của công ty cầu đường, bản thân anh theo công trường nay đây mai đó (lái xe lu) thì làm sao có đủ điều kiện để nuôi dạy con cho tốt được. 

“Mục sở thị” khi đến gặp phu nhân của NT6 Lý Thy, vài ngày sau đó tôi đã có câu trả lời. Xin mượn một câu danh ngôn để thay lời muốn nói về chị. Chỉ một phần nào mà thôi:

“ Hạnh phúc của người phụ nữ là làm thế nào để người thân mình được hạnh phúc.”

Các con của Lý Thi hôm nay thành người, có phần không nhỏ nhờ vào phẩm chất khiêm nhu, nhẫn nại và hy sinh vô bờ bến của mẹ mình.

Các cháu thật là những người diễm phúc trên đời này!

Còn anh lái xe lu Lý Thi đã chu toàn bổn phận của mình với gia đình, xã hội và vong linh của các bậc tiền bối.

Phải chăng cái cốt cách cao trọng bậc nhất thiên hạ của kể sĩ trong huyết quản chúng ta, có được nhờ những năm tháng tu thân, rèn luyện đã không bị mai một theo thời gian và cho dù hoàn cảnh nào.

 “ Anh hùng tử, chí hùng bất tử”

Khi gặp khó khăn quẩn bách vẫn kiên gan chu toàn bổn phận

“ Nợ tang bồng quyết trả cho xong”

                                              NCT 

Hơn ai hết, Uy Viễn Tướng công thấm thía nỗi cơ cực của hàn sĩ biết rõ ngọn nguồn bản chất chuyên quyền, thối nát của chế độ Phong Kiến.

Ngài không vì oán hận mà nguyền rửa, mong lật đổ nó. Ngài không mong đi học để làm quan, cai trị dân mà vinh thân phì gia. 

Kẻ sĩ khi gặp cơ hội thì quyết đem tài “ Kinh bang tế thế” ra giúp dân, giúp nước.

Ngày xưa khi vâng lệnh vua đi dẹp giặc Cờ Đen, ngài liền thấy ngay cái căn nguyên của vấn đề ấy là nỗi thống khổ của nhân dân đất chật, dân đông, siu cao thuế nặng, quân quan sách nhiễu nên tức nước vỡ bờ. Ngài xin vua Minh mạng cho đi giúp dân quai đê lấn biển lập nên vùng đồng bằng Tiền Hải trù phú, từ đó dân an cư, kinh tế phồn vinh.

Tôi trộm nghĩ, nếu Phan Bá Vành và Lưu Vĩnh Phúc lật đổ được ngai vàng Triều Nguyễn thì có làm những việc tâm huyết như Nguyễn Công Trứ không? Hay là dưới lớp son vàng lộng lẫy trưng ra mặt tiền một xã hội tuyệt vời lại là những vụ thanh toán cung đình, thủ tiêu mờ ám và lại xa đà vào tam cung lục viện đến độ phải “Ngọa Triều”

Xe khởi hành lúc 19 giờ ngày 2/4/2010. Trực chỉ Quốc lộ 14 qua địa phận các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, TX Đồng Xoài, Bù Đăng, Đăk Nông ( Quảng Đức cũ), Đăk Mil ( Ban Mê Thuột), Gia Lai. Nhờ trăng sáng vằng vặc nên thấy thỉnh thoảng qua những phố chợ và thị trấn còn hoàn toàn năm sâu trong rừng, có lẽ đường này có từ trong chiến tranh.

Một cánh rừng bạt ngàn, ẩn hiện với đồi núi trùng điệp, cứ tiếp nối liên tục, thoai thoải chạy dài suốt từ cao nguyên Nam Trung Bộ đến tận các tỉnh Đông Nam Bộ, xe chạy suốt đêm vẫn chưa hết rừng.

Chúng tôi trao đổi với nhau một vài vấn đề, đại khái như về kinh tế thì nếu như đường xá tốt hơn, giao thông thuận lợi sẽ góp phần giúp kinh thế vùng này mở mang, trù phú, dân sẽ giàu hơn và khoảng cách của mọi mặt xã hội sẽ rút ngắn hơn. Tóm lại là các vấn đề hạ tầng cơ sở làm tốt thì sẽ phát triển mau chóng.

Địa bàn Tây Nguyên rộng lớn, rừng núi hiểm trở, lại tiếp giáp với hai nước Miên & Lào nên ở đâu tôi cũng thấy có lợi cho địch ( giả sử nếu có chiến tranh) tổ chức bao vây, chia cắt, tiêu diệt và trận địa phục kích. Có thể nói nếu không được phi pháo yểm trợ hữu hiệu và không vận kịp thời thì việc dùng sức người để mong làm chủ Tây Nguyên quả là điều hoang tưởng.

Mong sao đất nước chúng ta được hưởng một nền Hòa Bình đích thực và trường cửu.

Chúng tôi đến khách sạn Pleiku vào lúc 6 giờ sáng ngày 3/4/2010 ngồi uống cafe vỉa hè đợi anh chị Luật. Sau đó Lý Thy và các con mang xe đến đón chúng tôi về nhà còn anh chị Luật ở lại khách sạn.

Niềm hân hoan vui sướng liên tục kể từ đó cho đến ngày về. Sau đám cưới, chúng tôi còn lưu luyến chưa vội chia tay với phố núi cùng biết bao tình cảm thân thương mà mọi người nơi đây đã dành cho trong mấy ngày qua.

Sáng ngày 5/4/2010 dậy thật sớm anh chị Luật bao ăn sáng tại trước cửa chợ Thị Xã. Uổng quá! Đặc sản Gia lai là măng khô vào thắng này lại không được ngon. Chúng tôi rủ nhau đi uống cafe nhà Thủy tạ. Từ trên cao nhìn xuống mặt hồ phẳng lặng soi bóng hàng thông ven bờ ( Thông ở đây không đẹp bằng Đà Lạt), có cảm tưởng như phiên bản thu nhỏ của hồ Xuân Hương.

Anh Luật tiếc rẻ: ‘’ Giá biết vui như thế này thì anh rủ thêm anh chị Lộc cùng đi” vâng, nếu có thêm anh chị Lộc thì niềm vui sẽ gấp bội.

                                 Em Pleiku má đỏ môi hồng

                       Ở đây mỗi chiều quanh năm mùa Đông.

Phố núi vào đầu mùa hè nắng cũng chói chang, khoảng 3 giờ sáng có chút ít sương giăng quẩn quanh các thông thủy để còn thấy được những ngọn đèn thắp sáng phi trường Cù Hanh cách chỗ tôi ở gần hai cây số.

Phải đợi đến Giáng Sinh trở đi thì thành phố mới có sương mù và giá lạnh.

“ Đi đăm phút đã về chốn cũ” cho chúng ta cảm tưởng sự chật hẹp, vắng vẻ của thành phố trước 1975. Bây giờ đi trên đoạn đường một cây số sẽ thấy thành phố ẩn hiện trước mắt mình nhiều lần. Ở một đầu con dốc tôi có thể nhình thấy bao quát toàn bộ thành phố.

Giả sử thành phố có hình vuông thì theo tôi mỗi cạnh phải trên 5 cây số. Sau hơn 30 năm cũng có những phát triển đáng kể, NT5 Nguyễn Minh Hải hẹn chiêu đãi anh em vào lúc 9 giờ. Vợ chồng anh ngần tuổi này mà lộc trời ban cho vẫn chưa hết, cả hai tất bật với cửa hàng vật liệu xây dựng, anh tự lái xe ben giao hàng cho khách. Bận rộn thế mà vẫn dành nhiều thời gian cho chúng tôi. Thật là quá quý!

Đúng giờ hẹn. Ba Hải ra tận cửa nói nhỏ vào tai tôi: “ Siu Phem đang ở trong nhà đó”. Niềm vui sướng liền lỉ mấy ngày qua bị chận lại ngay tức khắc bởi một hồi ức xa vắng mà cực kì mãnh liệt.

Có một thời gian ngắn trầm mặc và trang trọng dành cho cuộc hội ngộ bất ngờ, kì thú này.

NT6 Nguyễn Văn Còn xúc động nghẹn ngào, nước mắt lưng tròng: “ Tôi rất cảm động và vinh dự được chứng kiến cuộc trùng phùng hiếm có của các anh K5 với người ban miền cao, ngay tai mảnh đất này. Xin được chia vui với các anh và mọi người”

Anh Luật: “ Siu Phem này, anh và các bạn chiều nay sẽ ghé nhà em chơi, có được không?”

Siu Phem: “Được thôi, tôi sẵn sàng tiếp đón các anh bất kì lúc nào”

Siu Phem trả lời tôi: “ Chỉ còn nhớ Trần Văn Thận ở ĐĐ B mà thôi”

Sau hơn nửa giờ vui vẻ chân tình và gợi mở trí nhớ cho Siu Phem, anh cảm thấy bớt ngỡ ngàng và thoải mái hơn. Từ sâu thẳm tiểm thức, mệnh mang những thước phim nhạt nhòa, đứt đoạn.

Nói chuyện bằng Phone với Phú Long được một lúc thì S.P (Siu Phem) lớn tiếng: “ A. tôi nhớ ra anh Long rồi, anh ở Gò Vấp phải không? Chủ nhật về phép ở Quang Trung anh có đưa tôi về nhà ăn cơm và ngủ lại, khi nào rảnh tôi sẽ ghé anh chơi nghen”

Có một chi tiết mà anh Ngọc không nhớ bằng S.P qua điện đàm S. P hỏi: “ Anh Ngọc còn nhớ tôi học Anh văn cùng lớp F với anh và tôi nhớ anh Ngọc ở K4 rớt xuống K5 phải không?”

Anh Ngọc ú ớ, S.P nói đúng tôi học lớp E còn các anh là lớp F.

35 năm biền biệt để có một thoáng hồi tưởng. Trong khoảnh khắc kỷ niệm thời Thanh Xuân, người xưa cảnh cũ nơi nao cứ lũ lượt tìm về cùng với biết bao cảm xúc dâng trào như sóng vỗ bờ.

Lần đầu tiên tôi thấy anh Luật uống nhiều thế, chúng tôi cũng có vài thằng say tại chỗ trong vòng 3 tiếng đồng hồ uống hết 3 thùng bia thi còn gì để mà nói nữa.

Phu nhân Đoàn Văn Hậu rất cừ, tửu lượng không kém gì ai. Quý ông lơ mơ là chết ngay ( NT6 Nguyễn Văn Còn) tôi nghĩ chị đã dành cho chúng ta quá nhiều ưu ái: “ Tôi là người của mảnh đất chiến tranh ác liệt này, từng là nữ sinh đi hát ủy lạo các anh lính tiền đồn, nên rất cảm thông đời lính. Sau 35 năm thấy các anh sống vô tư, chân thành với nhau, làm cho tôi bỗng trẻ trung, như sống lại thời con gái với biết bao kỉ niệm đẹp. Còn bây giờ tôi rất vui mừng vì được làm Nàng dâu Nguyễn Trãi!”

Ngạc nhiên quá! Tôi đã đi nhiều nơi, gặp nhiều quý nương nhưng chưa bao giờ nghe được một câu nói dõng dạc và hồn nhiên đến thế.

Do đó. Không uống cạn chén này thì coi sao được. 100% dô…dô…

Phu nhân Đoàn Văn Hậu có một trái tim nhân lành và thiện cảm ưu ái đối với những số phận hẩm hiu nạn nhân của một cuộc chiến tranh mà họ đã bị đẩy vào một cách trớ trêu như con quay của định mệnh.

Anh Luật cười sảng khoái nói với tôi: “ Anh vui nên uống không say đâu các em đừng có lo, nhưng có một cái lạ, các em K5 ở với nhau khá lâu nên phát sinh tình cảm thì không nói làm gì, còn K6 mới gặp nhau một thời gian thôi mà anh thấy chúng nó gắn bó mật thiết với nhau trên mức bình thường thì điều đó khó giải thích nổi”

Tôi gật gù đồng tình với anh Luật, không dám trả lời vì vốn dĩ có tật hơi dài dòng, còn anh nóng tính, là người ứng xử hoạt bát, mau lệ.

                                      Sau cuộc chiến tôi về xây bếp lửa

                                    Bỏ sông hồ, bỏ quán rượu đường xa

                                            Bỏ đi dĩ vãng tang bồng cũ

                                     Bỏ mộng công hầu năm tháng qua

Thưa quý bạn. một lần nữa tôi xin mượn thêm một câu danh ngôn để giải bày việc này theo cảm tính của tôi

                                       Lời thành thật dễ gây cảm tình

                                         Lời giả dối dễ gây thích thú

Thật vây, bao nhiêu năm qua, tình cảm của chúng ta còn duy trì và triển nở tốt vì nó đặt trên nền tảng của mối quan hệ chân thành với nhau

Giả sử chúng ta không thật tình thì: “ Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh” chỉ còn là ngao ngán, chán chường và từ đó ngày càng xa lìa nhau.

Ngoài đời, có khi chúng ta là những đường kẻ song song hội tụ ở vô cực. Còn trong gia đình NT chúng ta có chung một Thánh Tổ chỉ nói chuyện nghĩa nhân cũng chẳng đủ thời giờ và ngẫm lại còn hơn chán vạn lề thói tầm thường. Có khi gặp nhau là cơ hội để tu tâm dưỡng tánh:

                                     Người trồng cây hạnh người chơi

                                        Ta tu lấy đức để đời cho con

Và tìm thấy bằng an, thanh thản vốn có sẵn trong tâm hồn mình.

                                      Chen chúc lợi danh đà chán ngắt

                                   Cúc tùng, phong nguyệt mới vui sao

Đúng 12 giờ trưa ngày 5/4/2010 chúng tôi chia tay gia đình NT5 Nguyễn Minh Hải và Gia đình NT Gia Lai trong niềm lưu luyến khôn nguôi. Tự đáy lòng tôi muốn nói lời tri ân cảm mến bằng tất cả những cảm xúc của mọi người nơi đây.

Trong lúc này có thể gói gọn mọi điều bằng lời nói chân tình của S.P

“ Các anh phải đến nhà tôi chơi”

Chúng tôi đã nghiêm chỉnh nhận lời mời của anh và xin hứa khi có dịp sẽ đến huyện Phú Thiện tỉnh Gia Lai thăm gia đình Siu Phem quý mến.

Buổi chiều cùng ngày, chúng tôi ăn bữa cơm chia tay với gia đình Lý Thy. Ba đứa chúng tôi đến Gia Lai đầu tiên và cũng là những người sau cùng chia tay với thị xã này. Anh Võ Văn Hùng quá chu đáo, đã thay mặt gia đình NT Gia Lai đến tiễn chân chúng tôi tại bến xe làm các em thổn thức nghẹn ngào.

Giờ chia tay đã điểm. 19 giờ 30 phút xe lăn bánh rời xa phố núi cao trở về với đồng bằng mang theo biết bao niềm vui, nỗi nhớ và nghĩa tình sâu nặng của gia đình NT Gia Lai đã dành cho chúng tôi trong suốt những ngày qua.

Bổng dưng tôi thấy nhớ nhà và người thân một một cách kỳ lạ, mới có mấy ngày thôi mà tưởng như thật là lâu. Thì ra mấy ngày qua ngập tran hạnh phúc, gặp được nhiều người thân thương, cũ mới và biết bao cảnh đẹp lạ lùng đến nỗi quên lãng cả thời gian, như một câu danh ngôn:

Đời người đo bằng tư tưởng và hành động chứ không phải đo bằng thời gian

Tôi mượn phone của NT6 Còn để gọi về nhà:

-          Hello. Em đấy hả, có khỏe không? ở nhà có gì lạ không? Anh nhớ lắm và đang trên đường về, sáng mai khoảng 8 giờ là có mặt ở nhà

-          Không để cho tôi nói thêm, một giọng nói quen quen nhưng không dịu dàng đằm thắm như mọi khi mà sang sảng lệnh vỡ cắt ngang

-          Hello cái con khỉ đi cho bành biệt không chịu gọi về nhà lấy một tiếng, mặc kệ ở nhà sống chết thế nào. Liệu thần xác, cứ về đây biết tay nhau. Sau đó nàng cúp máy cái rụp

Tôi không như ông nọ ở xứ Hà Đông ( bên Tàu) nghe cọp gầm mà hốt hoảng đánh rơi cây gậy trúc.

                                               Hốt văn Hà Đông sư tử hống

                                          Trúc trượng lạc thần, tâm man nhiên

Bởi tôi biết càng giận nàng lại càng thương. Chắc có lẽ xa tôi mấy ngày không chịu nổi. Nàng thương tôi nhất là cái khoản chung tình, mấy ngày tự do tung hoành nơi xứ lạ, thề có bề trên và anh em làm chứng của sexa hãy còn y nguyên.

NT6 Kiệt trách nhẹ Lý Thy: “ Mấy trăm cây số lên đây mà không được miếng mặn, thằng Lý Thy nó cho ăn chay suốt”

Sự thực thì lúc nào cũng chè chén no say, nếu được ăn mặn chắc cũng chẳng nên tích sự gì. “Than ôi thời oanh liệt nay còn đâu”

                                        Ngày xưa sung sức thì nghèo

                                      Bây giờ rủng rỉnh lại teo mất rồi

Tôi ráng chợp mắt một chút để mai về còn tươi tỉnh với vợ con

Hôm nay là ngày cuối tuần, dư âm Tây Nguyên mấy ngày qua đã lắng xuống phần nào, nhiều bạn ở khắp nơi gọi về hỏi thăm và tỏ vẻ thích thú các thông tin về Siu Phem. Tôi, Phú Long và anh Ngọc nhận được ít nhất là 20 cuộc gọi của S.P. Trong đó có một tin nhắn thật dễ thương: “ Tôi là S.P rất vui mừng gặp lại các Cựu SVSQ Đà Lạt sau mấy chục năm xa cách”.

Lê Công Khanh ở Đồng Nai gọi đến:

-          Hello, Tao đã nhận được lời mời, cả hai vợ chồng tao sẽ đi dự đám cưới con Nguyễn Văn Tuynh. Tao kể cho mày nghe hồi đó S.P có nói: “ Người Kinh tụi bay dở lắm, tích tắc như cái đồng hồ còn tụi tao giã gạo tới khi gà gáy”.

-          Thế đấy nghe nói nó nhiều con cũng là phải. bye nhé. Mày đang làm gì đó

-          Tao đang đợi anh Ngọc và mấy thằng Sài Gòn tới xem hình và hỏi chuyện Gia Lai ấy mà. Thôi hẹn gặp ở đám cưới con Tuynh nhé

Các bạn hỏi tôi là trong chuyến đi Tây Nguyên có điều gì áy náy, không hài long. Tôi trả lời là có:

Tôi thất bại không chụp được bức hình đẹp nhất, cảm xúc nhất, nếu có được nó tôi sẽ đạt tên là : MẶT TRỜI CHƯ SÊ.

Buổi sáng đầu tiên tại Gia Lai, chúng tôi đi thăm Biển Hồ cách trung tâm thị xã khoảng 6 cây số. Mặc dù đang là cao điểm mùa khô hạn, thế, mà có một biển nước trong vắt nằm trên độ cao gần nghìn mét. Trên mặt nước một doi đất dài hơn hai trăm mét nhô ra, ở đấy người ta xây một nhà bát nhất để du khách thưởng lãm và có thể quan sát cảnh núi rừng nguyên sơ ngút ngàn. Có lẽ đây là nơi hiếm hoi mà cảnh quan thiên nhiên chưa bị phá vỡ, mội trường còn trong sạch tinh khiết. Không có một con song, khe suối nào chảy vào Biển Hồ. Người ta bảo là Biển Hồ không có đáy, nước có được là do các mạch nước ngầm trong long Cao Nguyên chảy về theo nguyên tắc bình thong đáy. Theo truyền thuyết, ngày xưa nơi đây có những buôn làng mất hẳn dấu tích do mặt đất bị sập tạo thành biển hồ.

Mặt trời lên cao khỏi các đỉnh núi xa xa, lan tỏa ánh nắng ấm ấp trên toàn miền rừng núi Chư Sê hùng vĩ. Nắng ấm tạo nên màn sương khói la đà mặt nước và lẩn khuất vào rừng thong, khe núi. Nắng ấm truyền sức sống cho mọi sinh vật, báo hiệu một trời mới, đất mới.

Ngày xửa ngày xưa, khi chưa có loài người trên trái đất. Ở nơi đây có những biến động địa chấn cực kỳ dữ dội nơi các địa tầng. Những cuộc phun trào cuả núi lửa, động đất và các cơn dư chấn triền miên làm biến dạng lớp vỏ trái đất vốn quá mỏng manh so với các kỳ công của Tạo Hóa ở nơi khác. Thế là sau quá trình gọi là thai nghén địa chất, mặt đất rung chuyển dữ dội bằng năng lượng tích lũy từ lúc mới hình thành, vốn có sẵn trong nội tâm. Mặt đất đột ngột vọt lên hàng nghìn mét so với mặt nước biển để tạo thành một vùng cao nguyên rộng lớn, vòng cung núi non hùng vĩ. Trải rộng từ dãy Trường Sơn ra tới thềm lục địa. sau này được gọi là các cao nguyên: Boloven ( trung Lào) Đăklăk, Di Linh, Lâm Viên và một phần lãnh thổ rộng lớn từng được mệnh danh là “ Hoàng Triều Cương Thổ” cùng với dãy Trường Sơn sau này làm nên huyền thoại mẹ Âu Cơ sanh ra trăm trứng.

Nhiều tỉ tấn tro bụi và thán khi che kín cả bầu trời, khiến cho mặt đất chìm ngập trong tốt tăm, giá lạnh một thời gian dài. Sau cơn địa chấn kinh hoàng, mặt trời Chư Sê dần dần trở lại với người Tây Nguyên. Những cơn mưa tấp tập sối xả góp phần gột rửa lớp nham thạch loang lổ, mặt đất méo mó ngun ngút khói độc như một chảo bột khổng lồ cháy khét. Các cánh rừng nguyên sinh được hình thành, nhiều thác nước, con suối theo các thông thủy chảy về sông Pu Cơ rồi tìm về biển hồ trên đất Campuchia bằng con sông Srepock hiền hòa. Từ cao nguyên Di Linh các con sông La Ngà, Đồng Nai tưới mát cho cả vùng đồng bằng Đông Nam Bộ màu mỡ, trù phú.

Mặt trời Chư Sê mỗi ngày thầm lặng, chứng kiến biết bao đổi thay dâu bể.

Làm chứng thật cho những biến cố lịch sử, từ lúc sơ khai cho tới khi nền văn minh loài người tràn ngập Tây Nguyên.

Từ núi đồi An Khê, Bình Định đến tận sâu thẳm miền sơn cước Phú Bổn, Gia Lai mặt trời soi sáng vó ngựa của Hoàng đế Quang Trung tung hoành cùng với tiếng chiêng trống uy linh oai hùng, rền vang như thác đổ của đoàn voi trận trong những ngày chuận bị đánh chiếm thành Qui Nhơn, khởi đầu nghiệp lớn. Mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789) Hoàng đế Quang Trung đánh tan 29 vạn quân Mãn Thanh. Tiêu biểu là trần Ngọc Hồi Đống Đa do ngài trực tiếp chỉ huy, sau đó chiếm lại thành Thăng Long bằng ý chí tự lực, tự cường quyết chiến, quyến thắng của dân tộc Việt anh hùng.

“ Đâu những chiều loang loáng màu sau rừng”. hàng vạn tấn bom đạn đào bới, vùi dập xác người. Mặt trời Chư Sê từng bị che khuất bởi khói lửa của chiến tranh, khủng khiếp nhất có lẽ là hè 1972 từng chứng kiến những căn cứ biên phòng, hỏa lực ghi trong chiến sử như Benhet, Chumorong, Dakto, Tân Cảnh, Đức lập….ngập đầy máu và xác người.

Thời gian là liều thuốc nhiệm màu chữa lành mọi vết thương thể xác cũng như tâm hồn. Hồi ức về một thời huy hoàng hoặc đau thương, không thể ngăn cản chúng ta trên con đường đi tìm sự bằng an, thanh thản đích thực và quý báu vốn sẵn có ngay trong long mỗi người chúng ta để từ đó trân trọng, quý mến hơn cuộc sống này.

Mặt trời Chư sê yêu tự do như người Tây Nguyên yêu rừng xanh, núi thẳm và buôn làng

Mặt trời Chư Sê dịu dàng, hiền hòa như người Tây Nguyên đơn sơ và chân thật.

Mặt trời Chư Sê hôm nay chứng kiến đôi trai gái yêu nhau, thề se tơ kết tóc đến bạc đầu. Tôi đã hát bài “ Ngày hạnh phúc” của nhạc sĩ Lam Phương trong ngày cưới của họ:

                         Trời hôm nay thanh thanh gió đưa cành mơn man tà áo

                        Làm mây xanh vây quanh ánh vừng hồng chiếu xuống niềm tin

                         Đàn chim non tung tăng như đón chào bình minh thế gian

                        Chúc ai vừa tìm được bến mơ….

                        Câu mong cho mai sau gió đưa thuyền tình về bến mơ

                        Phút bạc đầu đẹp lòng lứa đôi

 

Mến chào tạm biệt các bạn

Sài gòn ngày hạnh phúc, tháng 4 năm 2010

Đỗ Mạnh