Kỷ vật cho con

“Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh”

Thưa quý bạn! cho dù bất kể hoàn cảnh nào thì các bậc làm cha mẹ cũng ước mơ để lại một gì đó cho các con như là tâm huyết, máu thịt của mình và ở đó còn hàm chứa biết bao điều muốn nói. Xin phép tạm gọi là lưu lại chút kỷ vật cho con.

Cuối năm 2009 Lê Ngọc Ẩn mời anh cả Đạm và chúng tôi được tháp tùng đến thăm Cao Hữu Dũng II C8 ở Long Khánh. Vợ chồng Dũng hết sức hồ hởi, đem khoe chúng tôi cuốn Album gồm những hình ảnh ngày xưa thân ái.

Ẩn bỏ ra 5 triệu đồng thiết kế lại toàn bộ số ảnh cũ nhạt nhòa đã ấp ủ hơn 30 năm để anh em xem trên Web của Phú Long.

Trong thời gian 3 tháng cuốn album lưu lạc ở Sài Gòn, Dũng đã hơn vài chục lần đòi trả lại. Có lần anh em cáu gắt: “ bộ mày sợ mất à?”

Dũng ngượng lắm đành thú thật:

-         Vợ con tao thấy lầu quá nên cằn nhằn bắt tao phải đòi về bằng được hơn nữa tao sợ rớt mất chiếc Alpha tác chiến kẹp ở bên trong. Đố chúng mày đứa nào có tao gọi bằng bố. Lê Ngọc Ẩn bùi ngùi phân trần với anh em

- Tội nghiệp thằng Dũng quý cuốn album như của gia bảo vậy

Quả thật chẳng sai chút nào. Nhà thằng Dũng đơn sơ, đạm bạc lắm nơi miền quê Long Khánh đìu hiu.

Bộ bàn ghế cũ mèm, mộc mạc vùa để tiếp khách và cũng là bàn làm việc của thày Dũng nơi gian nhà chính cùng với hơn chục băng ghế học trò.

Chúng tôi đến gặp dịp cúp điện triền miên. Nên không chịu nổi cái nóng khô khốc của căn phòng lợp tôn thấp lè tè, không có trần và cũ kỹ như nhà khu gia binh hơn 30 năm về trươc còn xót lại.

Lạy trời vào những đêm không có điện thầy trò cùng nhau đơm đó ước mơ, lò mò dắt dìu nhau mong thoát nghèo vượt khó dưới ánh đèn dầu.

Vợ chồng Dũng có tay nuôi heo nái và giỏi chuyên môn như một cán sự thú y tại nhà. Thế mà năm nay đành chịu bó tay

 bởi dịch heo tai xanh

Hằng ngày bà xã Dũng lặn lội vào sâu trong làng thu mua gà, góp thêm thu nhập gia đình để nuôi các con ăn học

Nước da chị trắng trẻo, dáng người thấp nhỏ theo năm tháng tần tảo, một nắng hai sương mà không giấu được vẻ khoan thai kiều diễm của người phụ nữ trí thức gốc “ Thần kinh thương nhớ”

Học trò của Cao Hữu Dũng có đứa làm cán bộ trên tỉnh, chúng vẫn luôn nhớ về ông thầy với hai tính cách: nghiện thuốc lá nặng và trong lúc dậy học không bao giờ ngồi một chỗ. Vóc dáng gầy gò hom hem nhưng tiềm ẩn một nghị lực phi thường.

Vào một đêm trước ngày cưới của con trai Hoàng Văn Định ở thị trấn LaGi Dũng ta xớ rớ bỏ quên hàm răng giả nơi sàn nước liền bị chó công đi mất hôm sau đến dự tiệc cưới với nụ cười móm mém thảm hại. chỉ húp được bát súp và mấp mấp bánh mì.

Đấy là bộ “ Hăng rết” , còn tình cảnh của bộ dưới chắc có lẽ không khá hơn ai.

Bây giờ pháo đã tịt ngòi

Gia tài còn lại là vòi nước trong

Suốt ngày nó chảy long tong

Đến khi hữu sự nó cong cái vòi

Vòng vo đến đây, có bạn sẽ đặt vấn đề là Cao Hữu Dũng cũng như mọi người bình thường thôi, mến đủ mùi vị trần thế và đi cho trọn kiếp người

Cũng như chúng ta, mài mòn thân xác nuôi con ăn học. Gia tài quý nhất là những đứa con thành đạt, một gia đình hạnh phúc nơi cái xác nhà tàn tạ.

Có còn gì cho con để giữ làm kỷ vật?

Gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân

Gần đây lão Dũng trở nên hom hem, chậm chạp và khét lẹt mùi thuốc lá. Rõ chán!

Đời sống vợ chồng có lúc lê thê với những cung điệu tẻ nhạt

Để tìm lại một thoáng hương xưa chị thong thả lật từng trang album hình ảnh cũ của chồng với niềm thương cảm trìu mến.

Ôi! người yêu mình đây sao? Thư sinh mà rắn rỏi ! hào hùng mà lãng mạn!

Chị cảm thấy được an ủi, vỗ về. Chìm sâu giấc mộng tự bao giờ

Các con lại càng quý trọng, mê mẩn tập hình của bố nó

Thế hệ của chúng được gọi là “ Chim Chích” . Sanh ra ở cái thời quái gở. Con người phải ăn tất cả những gì miễn là không bị chết, kể cả cái người ta dành cho chó và ngựa. Làm bất cứ việc gì mà không nghĩ đến lợi nhuận:

-         Ngồi cưa đạn pháo như Nguyễn Viết Hòa ở Huế chỉ mơ chiều nay mua được vài miếng bánh rán cho con.

Gia đình có lúc ly tán tha phương cầu thực, xểnh đàn tan nghé.

Trẻ con còi cọc, nhếch nhác, chậm phát triển. Người lớn thất thần bệ rạc, có khi đánh mất cả chất người vì miếng ăn, manh áo.

Chúng được biết những ngày tháng thần tiên trên đất nước này qua câu hát, lời ru. Được mẹ kể về Huế mộng mơ có nhà thờ Phú Cam, chợ Đông Ba, cầu Tràng tiền và tà áo dài Đồng Khánh

Hình ảnh một thời thanh xuân trai trẻ của Cao Hữu Dũng mang lại niềm tự hào. Kiên định ý chí phấn đầu cho các con.

Giấy rách phải giữ lấy lề

Con nhà tông, không giống lông cũng giống cánh

Các con là hình ảnh sống động hôm nay, tiếp nối tập ảnh cũ phôi phai theo năm tháng. Đến ngày chúng trưởng thành, lập gia thất Dũng tâm nguyện sẽ cho chúng một kỷ vật mới, để lưu lại lời thề son sắt: “ Trí, Nhân, Dũng, Thành” của bao thế hệ như Lê Quang Lâm đã thực hiện trong ngày con trai cưới vợ.

Lâm say với kỷ vật cho con

Lời chào hỏi rền vang như lệnh vỡ kèm tiếng cười chân tình, hào sảng. Lê Quang Lâm II D10 tròn xoe đôi mắt bước đến bằng cái dáng nghiêng nghiêng, chúi chúi, mặc dù không bao giờ uống một giọt ruợu. Thế mà lại mang hỗn danh là “Lâm say” mới đau!

Hơn 20 năm trước, không thể chịu đựng được cuộc sống ngột ngạt ở Sài gòn bằng nghề đạp xích lô và thường xuyên bị dày vò bởi cái bao tử lép xẹp, bất ổn.

Tương lai vô vọng “ Lâm say” đánh nước cờ liều cho 2 đứa con trai đầu lòng ở độ tuổi lên 10 vượt biên.

Nước ta hồi đó tự hào ra ngõ gặp anh hùng, cách mạng. Thực tế gia đình liều mạng cũng nhiều vô số kể trong đó có gia đình “ Lâm say” nếu may mắn có thể bây giờ gia đình “ Lâm say” đang định cư ở một trong những nước có nền dân chủ, tự do nhất thế giới thành “ Khúc ruột ngàn dặm” như ai.

Trời không chiều lòng người nên hai đứa trẻ và NT5 Đặng Ngọc Thiên bị trả về nước. Sau đó bạn Thiên may mắn xuất ngoại, NT4 Nguyễn Báu kể lại là đã gặp Thiên ở Mỹ.

“Lâm say” bán nhà thanh toán hợp đồng vượt biên của hai con thối về ngoại ở Phương Lâm tìm chỗ nương thân và vài sào đất rẫy.

Chàng bạch diện thư sinh yếu đuối bệnh hoạn lần đầu tiên làm quen với cây rựa, cái cuốc. Thường xuyên đối mặt với sự thiếu thốn cơ cực trăm bề. Thần kinh suy nhược do trầm cảm và chứng mất ngủ triền miên. Anh tỏ vẻ mệt mỏi, chán chường.

Có những đêm không trăng sao vào mùa khô hạn, hai vợ chồng lầm lũi trong rừng, hứng từng gáo nước dưới suối sâu để cứu những cây con chết khát.

Đến ngày thu hoạch dược chút đỉnh thì cà phê rớt giá như bèo vì cách làm ăn nhỏ lẻ, manh mún kỳ cục hồi đó của các nhà quản lý mới tập tành bước vào kinh tế thị trường nên người nông dân lãnh đủ. Phá sản! “Gia đình Lâm say” cuốn gói trở về Sài gòn ở nơi đầm lầy heo hút của ngoại ô thành phố. Bằng bản năng sinh tồn làm bất cứ việc gì chằng kể gió mưa, sớm hôm để làm lại tự đầu.

Gà chưa kịp gáy sáng, “bà xã Lâm say” vội vã đến lò mổ mua huyết bò mang đi bán khắp thành phố

Chẳng biết là phúc hay họa mà nơi ở mới được các nhà quản lý quy hoạch, “ Lâm say” lại ra đi với số tiền đủ để mua căn nhà khác tương đương.

Về chỗ ở mới được khoảng 2 năm thì nhận được thông báo phải trả lại tiền bời lý do thuộc diện “ Bị đền bù sai” ở nước ta nếu tranh chấp giữa các cá nhân thì nhà nước đứng ra xử. còn đụng tới nhà nước thì người dân phải biết sống và làm việc theo pháp luật. Nên nhớ có rất nhiều luật, nghị định, chỉ thị, thông tư. Bát ngát đến tận chân trời.

Miệng nhà quan có gang có thép luật đã qui định đất đai được nhà nước thống nhất quản lý. Ban đền bù giải phóng mặt bằng thuộc về nhà nước nên công dân “ Lâm say’’ cứ vui vẻ chấp hành.

-         Bây giờ tính sao hả Lâm ? sao kỳ vậy ? có lường gạt, trộm cắp của ai đâu ?

-         Ừ thì họ bảo sao mình biết vậy. Từ từ trả dần chứ bán nhà một lúc thì biết ở đâu ? người dân có nghĩa vụ thần phục tuyệt đối nhà nước.

“Lâm say” từ trầm cảm chuyển sang trầm uất nặng nề. Số phận lại đẩy anh thành kẻ Homeless ngay chính trên căn nhà mình đang ở.

Ngày xưa nàng Kiều trải qua 15 năm truân truyên đọa đầy vì nàng là giai nhân “ hồng nhan bạc mệnh” còn “Lâm say” không hiểu vì lẽ gì mà ông trời zí tới đường cùng? Xin ông tha cho con giun xéo lắm cũng phải quằn ông ạ.

“Triệu người quen, có mấy người thân. Khi lìa đời có mấy người đưa”

May mắn thay! Trong gia đình NT5 có vợ chồng Phạm Quang đặc biệt gần gũi. Quan tâm từ vật chất đến tinh thần nhờ đó “Lâm say’’ được an ủi chia sẻ phần nào.

Tinh thần Nguyễn Trãi bất diệt. Vợ chồng Phạm Quang muôn năm

Đầu tháng 10 “ Lâm say” giao cho tôi 50 thiệp cưới nhờ phối hợp cùng anh em đi mời đại gia đình Nguyễn Trãi đến chung vui với gia đình anh vào ngày 10/10/2010. Chột dạ, sao lại mời nhiều thế! tiền đâu mà tổ chức. Có say không hả Lâm?

Đứa con trai đầu lòng, cháu nội đích tôn lấy vợ nay đã hơn 30 tuổi. Mới ngày nào ở đảo về.

Thân phận bèo dạt mây trôi nên bạn ngoài đời không có mấy ai. ‘’L âm say’’ có 2 nhóm bạn là dòng tu và NT5 mà thôi.

Anh thẳng thắn đề nghị, rất mong muốn các bạn K5 mừng cho con anh một khánh vàng lưu niệm. có ghi rõ gia đình NT5 chúc mừng và nếu có Lục Đại Chiến thì rất là quý. Việc này mới lạ nên chúng ta cần suy nghĩ nhiều.

Tại sao ‘’ Lâm say’’ lại muốn mời đông thế phải chăng anh vẫn còn quý mến chúng ta như cái thủa ban đầu trong sáng ấy tìm đến như một điểm tựa tinh thần.

Dù cho ba chìm bảy nổi, lao đao vất vả, thế mà trong tâm trí anh có lúc tìm về với ngày tháng êm đềm nơi trường mẹ. Tình cảm còn đọng lại thật nhiều với ngừoi xưa. Kỷ niệm đẹp một thời trai trẻ.

Chúng ta có thể lấy ra một phần tiền mừng đám cưới để thực hiện khánh vàng. Nhưng may thay đã có 2 bạn tự nguyện làm việc ấy thật quá tốt đẹp. Cảm ơn người!

Hôm nay ngày 10/10/2010 ghi đậm nhiều điều đáng nhớ. trước những dấu ấn, thời khắc lịch sử của nhân loại và đất nước mỗi người chúng ta tự đáy lòng thốt lên lời tạ ơn thắm thiết.

Quốc khánh Trung Hoa Dân Quốc 10/10/2010

Mẹ Việt Nam đứng mũi Sơn Trà gởi hồn ra Đông Hải cùng với lời nhắn nhủ con cháu mẹ. Khẳng định một chân lý như kỷ vật thiêng liêng, bất diệt:

Trong lịch sử nhân loại có những dân tộc bị tiêu diệt hoàn toàn. Có những dân tộc buộc lòng phải hòa tan vào dân tộc khác để tồn tại. Đến lúc lực lượng trí thức đã đủ mạnh sẽ dẫn đắt dân tộc ấy trở về với nguồn cội. Sự phục sinh, chấn hưng một dân tộc không tính bằng ngày mà đòi hỏi nhiều thế hệ.

Tạ ơn trời! dù cho biển Đông đã bao phen sóng dậy, cầu xin cho đất nước chúng ta được hưởng nền hòa bình trường cửu và đích thực để những người trẻ hôm nay nắm chặt tay nhau vững bước tới tận bến bờ hạnh phúc.

Ai về kinh bắc ta theo với

Thăm lai giang sơn giống Lạc Hồng

Từ độ mang gươm đi mở cõi

Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long

Huỳnh Văn Nghệ nói về nguồn cội của người Việt theo chúa Nguyễn Hoàng vào Nam bằng bốn câu thơ trên.

Được trở thành người Sài gòn đích thực hôm nay chúng ta không quên tri ân các bậc tiền nhân dày công dựng nước mở rộng cõi bờ. Đặc biệt là vương triều nhà Nguyễn.

10/10/2010 kỷ niệm ngàn năm Thăng Long

Hùng thiêng trong tiếng chiêng đồng. Người Sài gòn hướng về Thăng Long ngàn năm tuổi với vô vàn cảm xúc và lòng thành kính biết ơn.

Quyết định dời đô từ hang động Hoa Lư về Thăng Long. Vua Lý Thái Tổ từ thế thủ chuyển thành thế công. Phản ảnh ý chí kiên cường, tự tin vào tiền đồ dân tộc, trực diện đối đầu với giặc bắc tạo được thế an dân, xã tắc thái hòa ổn định. Nền văn minh lúa nước nhờ đó phát triển bền vững nơi đồng bằng sông Hồng. Điền trang, thái ấp trù phú, nền hành chính phôi thai từng bước được kiện toàn. Ấy là cái tâm, tầm nhìn của vị vua có tài Kinh Bang Tế Thế. Vua ở trong dân, thương dân, chia sẻ thành bại với dân. Xem bách tính muôn dân là một phần cốt nhục của mình. Vua dấn thân, đồng hành cùng dân tộc. Hành xử bằng tâm niệm cứu khổ, cứu nạn nhờ thắm nhuần sâu sắc triết lý từ bi của nhà Phật.

Từ đó mở ra một triều đài mới, với những vị vua anh minh đức độ. Vang danh đánh Tống bình Chiêm, mở mang bờ cõi.

Nhớ về nguồn cuội, một vương triều vàng son. Mỗi người chúng ta thắp lên một nén hương tự đáy lòng.

Dời đô về Thăng Long, vua Lý Thái Tổ thể hiện lòng biết ơn dân vậy.

Ngày 10/10/2010 cũng là ngày cưới con trai của Lê Quang Lâm. Đại gia đình Nguyễn Trãi được 40 người ( có nhiều Quý Nương ) đến dự.

Ít có tiệc nào đông như vậy dường như có điều gì thiêng liêng vô hình, thương cảm quyến luyến mọi người về đây

Tiệc cưới bỗng dưng trở thành lễ tạ ơn thánh tổ Nguyễn Trãi hết sức uy linh trang trọng.

Chủ sự lễ là cụ thân sinh Lê Quang Lâm. Dù đã bát tuần vẫn ngập tràn niềm vui, chân tình với con cháu. Cụ không giấu nổi niềm hạnh phúc vô biên trong lòng.

Của lễ hiến tế là chiếc khánh vàng biểu tượng Trí. Nhân. Dũng. Thành và lời thề nguyền son sắt của đôi tân hôn.

Lòng thành và tâm nguyện của Lê Quang Lâm cùng mọi người đã được chứng giám:

Thánh tổ Nguyễn Trãi xênh xang trong quan phục Lại Bộ Thượng Thư. Vuốt nhẹ chòm râu bạc, tay phải của Ngài khẽ điểm chiếc quạt bằng lông chim trĩ đoạn ôn tồn ban huấn thị:

Hôm nay ta rất vui khi thấy các con hội tụ về đây. Lại còn nhân danh ta tặng khánh vàng cho đôi trẻ. Phải, chúng xứng đáng được khen thưởng đấy.

Các con xem kìa, giữa muôn trùng cạm bãy đã làm hư hỏng, băng hoại biết bao thế hệ trẻ hôm nay. Thế mà hai đứa hậu duệ khả ái của ta chẳng những không xa đà vong mạng. Mà còn nỗ lực thoát nghèo, vượt khó để hôm nay chững chạc bước vào đời bằng cuộc hôn nhân tốt lành.

Chúng đã thành người đứng đắn, làm rạng danh cho gia đình và dòng tộc. Mọi người có nghĩ rằng đã nợ chúng một lời cảm ơn không? Vợ chồng cũng vậy phải biết cảm ơn nhau. Ta nói kỳ quá phải không nào?

Đã lâu rồi các con xem thường, coi nhẹ vợ mình, người chia sẻ đắng cay, ngọt bùi, miếng ăn giấc ngủ, khi đau yếu bệnh hoạn cũng như lúc khó khăn quẫn bách. Đã bao giờ được tiếng cảm ơn.

Quá đáng lắm! rồi sẽ có ngày trắng mắt ra bởi thế gian đã từng cảnh báo:

“ Coi chừng cơm nguội nhà ta thành đặc sản của anh hàng xóm” các con hãy giữ lấy hạnh phúc.

Hơn nửa thế kỷ trước ta đã làm gương cho bách tính trăm họ bằng bản án tam tộc tru di.

Sau khi cùng vua Lê dương cao ngọn cờ ‘’Ch í nhân, đại nghĩa’’ để thu phục nhân tâm, đánh đuổi giặc Minh xâm lược. Lời đầu tiên trong “Đại Cáo Bình Ngô” là nhắc nhở vua quan nhà Lê phải hành xử hết lòng nhân nghĩa với thần dân. Ấy là thuận với lòng Trời hợp đạo an dân.

Đấy là cách trả ơn dân thiết thực nhất bằng ngược lại là lếu láo mị dân ai có tai thì nghe cho tỏ.

Thực tế ra sao thì các con biết rồi. Đã xảy ra những vụ thanh toán cung đình, thủ tiêu mờ ám. Chính ta là nạn nhân đây, âu cũng là định mệnh, nghiệp chướng trầm luân!

Triều đại Lê Sơ tồn tại 99 năm, có những hôn quân bạo chúa coi dân như cỏ rác, ham rượu chè, mê gái đẹp, thích giết người như Lê Uy Mục. Sau đó đến Lê Tương Dực tự lập làm vua sau khi đã thảm sát Uy Mục.

Cực kỳ bá đạo. Thối nát hết chỗ nói!!! “ Quả nhân hữu tật” có bao giờ vua biết cảm ơn dân? Đó là những bài học lịch sử nhiều lần tái diễn. Khiến muôn dân phải trả bằng xương máu.

Ta bảo thật. kỷ vật, kỷ niệm nếu có thì thật là quí. Nó thể hiện hành vi đáp lễ tế nhị trong mối quan hệ giữa con người với nhau. Nhưng nếu không biết chân thành cảm ơn nhau mọi lúc, mọi nơi thì là thiếu xót lớn đấy, là thói bội bạc vong ân. Khiến cho nhà nát, nước tan, tệ hơn nữa là thản nhiên đối xử với nhau như phường kẻ cướp. Các con phải dốc lòng tránh cái vết xe đổ ấy đi. 

Thôi ta lỡ dông dài quá! sắp tới giờ Ngọ có hẹn phải đi đây.

Chào các con

Mọi người chưa kịp thủ lễ thì hình ảnh thánh tổ Nguyễn Trãi đã nhạt nhòa, phiêu lãng tựa hồn thiêng sông núi.

Ngoài kia bà con Hà Nội đang lũ lượt từ giã đại lễ, cuộc vui đã tàn, đèn nến vụt tắt. Chúc mọi người đi đến nơi về đến chốn. Bằng an, trật tự và đừng bị kẹt xe nhé.

Vinh quang tổ quốc Việt Nam.

Sài gòn mùa giông bão, 2010

       NT5 Đỗ Văn Mạnh

>>