Hành trình của Nt5 (Nt5 Ng.văn Nhân)

Hành Trình của khóa Nguyễn Trãi Năm

Chủ nhật, 10 Tháng 1 2010 17:13 NT5 Nguyễn Văn Nhân Vài nét về Trường Đại Học CTCT/ Đà Lạt

                                 ********************************

Hạnh phúc lớn nhất của một đời người là được phục vụ cho tổ quốc, đó là câu nói của John Kennedy.

NT5 là khoá được mở ra thi tuyển năm 1973, chỉ sau khóa NT4 một năm, khác với thông lệ từ trước là cứ 2 năm trường mới mở một khoá , có lẽ là do tình hình cấp bách Việt hóa chiến tranh , khi quân đội Mỹ đã hoàn toàn rút hết khỏi Nam VN, chỉ còn laị rất ít những toán kỹ thuật , yễm trợ và cố vấn. Người Mỹ đã kiếm được một ngõ thông ở cuối đường hầm, Richard Nixon đã qua Tàu đầu năm 1972 mang theo mấy ông lái nước ngọt Coke , Pepsi và Mac Donald. Kỹ nghệ súng ống không còn sức hấp dẩn bằng kỹ nghệ ăn uống và một kỹ nguyên mới bắt đầu mở ra cho người Mỹ, thị trường thương mải cả tỉ người của Tàu hấp dẩn lòng tham của họ nơi mà mới vài năm trước Mỹ còn sợ với cái tỉ người đó nếu chi để đánh nhau thì đánh cho đến bao giờ mới xong mà không chừng laị phải thua lại họ như chính Pháp đã phải thua ở Điện Biên Phủ rồi chính Tàu Cộng áp đặt chủ nghĩa CS lên Miền Bắc VN năm 1954, (cũng bởi cái đám quân nghĩa vụ quốc tế Tàu Cộng cộng với súng đạn của Liên Xô này làm cho cuộc chiến VN có lý do bùng phát, ngoài cái lý do là hậu cần chính tiếp tế súng đạn Tàu cộng còn cài đặt các nhân sự chính trong bộ máy cầm quyền Bắc VN để dể bề khống chế cuộc chiến VN ) ...

Xét cho công bằng cái bắt tay này có lợi cho cả Mỹ và Tàu nhưng ngược laị miền Nam VN là kẻ bị thiệt thòi nhất và đám thanh niên vô tư chúng tôi, khóa 5 Nguyễn Trãi, những người mà trung tuần tháng bảy năm 1973 đáp lời mời gọi của tổ quốc qua những poster kêu gọi:

"đầu tư tương lai là ghi tên vào trường DHCTCT Đà Lạt , nơi đào tạo bạn thành những chàng trai văn võ song toàn cho tổ quốc".

Chắc nhắc tới khẩu hiệu này thì đa số chúng ta còn nhớ . Tôi không nghĩ là mình chọn lầm hướng đi mặc dù đất nước chẳng cho mình cơ hội được phục vụ lâu dài.

Trở laị cuộc hành trình đầu tiên của NT5 , tôi lấy đơn thi tuyển từ quân vụ thị trấn tỉnh Biên Hoà, điền đơn và nộp lại hôm sau. Chúng tôi nhận được giấy báo danh khoảng giữa tháng tám về thi ở trường Trung Học Đồng Tiến , Sai Gòn. Tôi cùng 3 anh bạn rất thân rủ nhau đi thi thử, trường nào mở cũng nộp đơn, tinh thần yêu nước rất cao thi trước nếu đậu thì lựa sau, cuối cùng số phận bắt chia ly : người đi CTCT, kẻ đi Võ Bị và người về Cảnh Sát.

Ngày tuyên bố tên trúng tuyển khoảng đầu tháng 10, trên đài Quân đội trong một buổi chiều mưa nặng hạt và dai dẳng, âu cũng là số phận vì có nước mắt quê hương và hồn thiêng sông núi mời gọi qua mưa chớp.

Từ giã gia đình tôi đi trình diện nhập ngũ ngày 15 tháng 10 năm 1973, đúng là đời người bắt đầu ở tưổi 20, là tuổi tôi lúc đó. Mẹ đứng tựa cửa tiễn con bằng suối lệ nóng, tôi bịn rịn sắp rơi lệ : ôi những người đi ra chinh chiến có mấy kẻ trở về...

Người bạn đứng trình diện tại cổng quân vụ thị trấn SG trước tôi là Hoàng Văn Ứng, anh ta trông cũng bảnh tỏi áo trắng bỏ ngoài quần và săn cao để lòi chuột, quần tây đen với dép sâm bô, trong chuyện trò thích xưng cậu với tớ. Chúng tôi lên xe vận tải quân đội, đây là lần đầu tiên trong đời tôi ngồi xe này, Sài gòn bây giờ đang là giữa thu tiễn chúng tôi bằng những cơn mưa bụi: khóc hay vui ? từ gĩa thư sinh để bước vào đời lính.

Tới trung tâm tuyển mộ nhập ngũ đã là tối, dưới ánh đèn điện chúng tôi được phân chia ra các khu, giọng người đọc thật vắn tắt : Trần Công Đức sinh năm 1954 tại Láng Cào tỉnh Đồng Tháp, cha Chơi mẹ xướng, khu quân dịch . Lãnh phần cơm là một ổ bánh mì thịt và một hột vịt luộc xong tôi đứng qua khu Dự bị SVSQ, sau đó được dẫn về khu của mình tạm trú. Đêm nay tôi ngũ không mùng mền và chăn chiếu , ngày đầu tiên bán đời cho muỗi và rệp. Buổi sáng ở đây có club café , đó là loại café vớ phục vụ nhanh cho nhiều người cùng với bánh mì chả lụa, muốn mua phải xếp hàng, tôi mua 2 phần để cho mình và đãi anh bạn mới tên Dũng , sv cao học Luật trình diện tái khám mắt, anh này mời tôi vào ngủ mùng với anh .

Lịnh tập họp trên máy lúc 8 giờ sáng , nhóm dự bị svsq/ ctcct được gọi đứng riêng, chỉ mới có khoảng trên mười người ,điểm danh laị có Mạnh , Chấn, Tuynh, Phú Long ,Duyệt , mấy anh này nhà ở Trung Chánh bên cạnh TT3/TMNN nên ỷ gần nhà tới sớm nhất, rồi Ứng , Ngô Quốc Hùng , Nhân ,Tường con ...chẳng ai hỉ hỏ câu nào với ai, chúng tôi lạnh lùng đo lòng nhau ngày đầu tiên. Sáng ngày kế cũng điểm danh lên được thêm hơn 20 mạng, những người mới là Bằng, Tiến Việt, Thời, Tích, Luyến, Đàm, Châu, Phước, Toàn và mấy người tên Bảo ( Quốc B,Vĩnh B, Thành B), ... hôm nay vẫn chưa có ai buông dây rọi xem giếng nông sâu, đa số còn nhìn nhau aí ngại ,Tích Huế thì lầm lì, Toàn Long Thành thì miệng lúc nào cũng cười căng tới tai ,còn Ứng thì trán cau có luôn nổi 4 gạch ngang .Tiến Việt và Thời tóc để dài chấm ngang vai , người gầy như que diêm . Ngày kế nữa thêm được Sĩ no hair, Phương bi đông ,Võ thế Chánh , Lê văn Lễ anh chàng này mắc bịnh phổi nặng bị loại ngay tại Quang Trung ( mới gặp lại ở San Diego, Cali). Hôm nay do nóng lòng không rõ lịch trình hơn nữa người trình diện thưa thớt nên tình hình anh em đã cải thiện chuyện trò với nhau. Trung tâm cũng cấp phép cho về nhà cuối tuần, vẫn đồ dân sự và đầu tóc dài.

Tuần kế bắt đầu lãnh quân trang , khám sức khoẻ và cắt tóc. Nguyễn văn Sĩ được tặng danh hiệu no hair từ lúc khám tổng quát, tất cả được trận cười vì có anh nói nhảy dù chê thằng này tụi bay ơi. Cùng phái đàn ông với nhau nhưng nhiều anh mắc cở không dám dương buồm cứ bụm tay che cười chết được...Chúng tôi đợi tất cả 12 ngày nhưng số người trình diện khoảng được trên bảy chục, có lẽ đợi đã lâu trung tâm bắt đầu chuyển qua trại chuyển tiếp Nguyễn Tri Phương. Từ đây nhập với số anh em các quân khu 1,2 và 4. Những người bạn mới như Lê, Đình Trung , Nguyễn Trung, văn, Hòa ,Khánh , Hội, Hậu, Lân, Quang ,Mai, Hoà, Thảo đa số các bạn này cao to hơn dân vùng 4 của Nguyễn Ngọc Lễ, Trần Hồng Tuấn, Trầm Văn Hùng, Vũ văn Thăng, Giang , Nở và Hữu...

Ở đây họ chích TAB chống cảm cúm cùng cân đo chiều cao và trọng lựơng . Sĩ quan đại diện Trường là Đại uý Nguyễn Mạnh Vỹ và Thiếu Uý Triệu Duy Toản ( thủ khoa K3) đaị diện Tổng Cục CTCT bắt đầu ra mắt và tập xếp hàng , nghiêm nghỉ cho k5 để chuẩn bị ra trình diện ban tuyển sinh của trường. Từ những ngày đầu tới giờ chúng tôi chưa phải qua cái thủ tục xét chiều cao , cân nặng và thi ăn nói thì bây giờ chúng tôi sẽ phải qua cuộc thi này, tôi nhớ không lầm thì tất cả thí sinh quân nhân và TSQ cũng đều phải về đây để thi, phải không các bạn ? mỗi người sẽ phải chọn một đề tài trong số 10 đề tài có sẵn để thi diễn thuyết chấm điểm, hình như không có ai bị loại ở cuộc thi này , điều này trong một buổi sinh hoạt có Trung Tá Vĩnh Huyền ở Hội Canada, thày nói rằng hồi tuyển K2 & K3 trường có bàn cãi vấn đề thước tấc và chính thầy lúc đó đang là trưởng khối Kế hoạch đã mạnh mẽ vận động cho các anh thiếu tấc thước được vào học.

Tất cả được nhận chỉ trừ Lê Văn Lễ bị bịnh phổi nặng bị loại. Do số tuyển sinh không đủ yêu cầu bởi vậy Trường quyết định gọi thêm số bổ túc , toán này cho gọi 100 người mà chỉ có 16 người trình diện, đó là Khôi, Long sữa, Viết Tiến, Phạm mạnh Hùng, Nguyễn Ngọc Hùng, Nguyễn viết Trạng... Khoảng đầu tháng 11 sau khi chính thức được thu nhận là con cái của trường DH/CTCT/DL chúng tôi được chuyển qua đại đội 1, tiểu đoàn Gia Long, LĐ A Trung tâm Huấn luyện Quang Trung để thụ huấn ba tháng căn bản quân sự, toán 16 người bổ túc được gọi đầu tháng 12 và họ cũng đựơc gấp rút huấn luyện CBQS 3 tháng, được ở cùng tiểu đòan Gia Long nhưng khác đại đội và chung với quân dịch, như vậy họ đi sau 1 tháng .

Ở Quang Trung chẳng có gì để khoe phải không các bạn, ngoài sự chịu đựng cái nóng cháy da như cái lò pizza 500 độ , ăn cơm nhà bàn với cá mối chiên và canh rau muống bơi sông, hoặc lẳng lơ hơn thì nhớ laị những buổi tối gác ứng chiến ngoài hàng rào kho đạn Bùi Như Luông , kế bên trại nhảy dù Vương Mộng Hồng với những cô gái bán chè và khô mực, công nhận nhiều anh giải quyết chuyện mua bán "heo con" gọn lẹ lắm.

Chúng tôi được chuyển về trường độ giữa tháng hai, sau 3 tháng học căn bản quân sự ở Quang Trung, đó là bao ước mơ của một đời kiếm sĩ, cứ nghĩ được diện bộ Wested mùa đông đi với đào ngoài thác Prenn hay cùng em giung giăng bên hồ thuỷ tạ thì anh nào cũng khoái .

Các niên trưởng k4 đón chúng tôi tại phi trường Liên Khương , hồi ngồi trên C130 tiếc không ai được nhìn ra cửa sổ xem trời mây và thành phố lý do là máy bay không có ghế và họ bắt ngồi xuống sàn và giữ giây belt an toàn , bây giờ bước ra khỏi máy bay thấy lạnh tê, đành ôm túi quân trang chạy về chỗ tập họp xong mới định thần nhìn những dãy núi xây thành quanh phi trường: đỉnh Lâm Viên , núi đá Voi, núi Thác Bà và đồi pháo binh là 3 điểm cao dễ nhận. Chúng tôi được chở về trường mẹ , con đường về khu Chi Lăng mà về sau đã thành ngõ phố quen thuộc lúc đi phố ban ngày và cả lúc dù phố ban đêm , chỉ khoảng sáu cây số xa thị xã nhưng là chỗ riêng tư chuyên luyện thép người. Tất cả xuống xe bus mang theo túi quân trang vào club của Cô Tú , mỗi người được đàn anh gọi cho 1 chai nước ngọt con cọp . Chúng tôi cũng được nhắc nhở trút bỏ những chất thải không cần thiết trong cơ thể để cho khỏi xấu hổ khi nó mất phanh lỡ ra người .

Cùng với khoảng chục anh Thiếu Sinh quân như Thành lang ben, Tuệ, Hoan già và vài anh cựu quân nhân như Hân hải quân.... tất cả độ 120 người được gọi tên chia đơn vị . Sau khi đã được bàn giao lại cho hệ thống cán bộ huấn nhẫn Tân khóa sinh, những bộ mặt dữ dằn trong đồng phục kaki vàng giầy booth gom ống, găng tay trắng cầm gậy và chiếc mũ nhựa nâu chụp che con mắt tinh nghịch nhưng quát tháo đàn em ra lữa. Lịnh cho mọi người ràng nịt kỹ càng các túi quân trang và tất cả đồ đạc cá nhân.

Chào trường ! đó là truyền thống , ngày mà nhiều người còn giữ lâu kỷ niệm đời đầu quân ngũ với ngôi trường thân yêu nhưng cái cổng trường thì cũng chưa có. Những tiếng ra lịnh của cán bộ huấn nhẫn cho tân khóa sinh như cho những người nặng tai. Hình phạt toàn những cái vô lý đầy mâu thuẫn như lăn trên đá dăm, nhảy cornic , chạy tấn công đồi, móc giò lên hàng rào, nuốt giun, ngậm đầu súng nhảy xổm, nằm trong thùng phuy để lăn, đo súng, lăn bùn và uống nước nhà cầu...đây là lò luyện thép người với sáu tuần lễ để gò một trang thư sinh trở thành một kiếm sĩ can trường .

Những ngày tháng qua đi nặng nhọc, sáng từ 6 giờ dậy tập thể dục đã phải bò ra sân tập họp , xong chạy về lo vệ sinh cá nhân phòng ốc rồi cắt nhau đi lãnh bánh mì và chuối cùng lấy nước trà nóng, (trà buồm chuối Laba là thứ trà tươi tạp lục và chuối vùng La Ba ở cây số 4 để chín thẩm nổi chấm đen), 8 giờ lại tập họp ra bãi học vũ khí hoặc vào lớp học cơ bản thao diễn, những quy định đi đứng , chào hỏi , giao tiếp hoặc học cho biết các hệ thống nhà trường và hệ thống tự chỉ huy của LDSVSQ , trưa ăn cơm lại bị bò vào ăn no nứt bụng rồi lại bò ra , nói chung mọi cử chỉ đều tóm gọn trong cái phạt kéo dài cho đến 10 giờ tối , rất oải, trong khi nhiều người vẫn tiếp tục vào trình diện, đa số là các bạn gốc lính sẳn như Chính, Hiển, Phúc, Sên, Vạn , Thanh già và cả 2 anh gốc sắc tộc là Siu-Phem và y-Huen-Mok, ( Siu-Phem ở 1B5 còn y - Huen-Mok thì ở 1B3). Nguyễn Đỗ Tuấn con đại tá Bích cựu tỉnh trưởng Đà Lạt vào sau hai tuần, còn nhóm 16 người bổ túc Quang Trung lên trường trễ sau 3 tuần , để theo kịp thể chất các bạn khác thì nhóm 16 phải còn chịu thêm 3 tuần huấn nhẫn sau khi đã được gắn alpha.

Tinh thần huấn luyện thật căng thẳng nhưng tất cả 161 người tân khóa sinh khóa 5 đã vượt được qua, mọi người hân hoan đón nhận chiếc ALPHA trong một buổi lễ trang nghiêm dạ tịch, có ban nhạc tấu khúc ca khải hoàn và tiếng hô vang vọng của SQ quân lễ NT1 Quách Dược Thanh cùng giọng nói quyến rũ của NT2 Trường Sơn Dã Mã Trần Ngọc Hoàn về ý nghĩa chiếc ALPHA nghe như có tổ tiên, thần linh tổ quốc về chứng kiến những chàng trai trẻ hôm nay đang quỳ gối tại Vũ Đình Trường này , rồi lời trình lên vị chỉ huy Trưởng Trường của thiếu tá Nghiêm Viết Thành Trưởng khối Hoá Sinh kiêm SQ/LDTSVSQ : 161 TKS này đã trải qua đủ thời gian huấn nhẫn, giờ đây tôi xin được trình lên Đại Tá Chi Huy Trưởng để xin cho họ được gắn ALPHA. Câu nói của vị Chỉ huy Trưởng trường lúc đó là: Nhân danh chỉ huy trưởng trường DHCTCT tôi chấp nhận lời khẩn cầu của Thiếu tá trưởng khối khóa sinh cho gắn ALPHA cho 161 TKS này...

Chỉ hai tuần lễ sau khi mang Alpha hai người bạn là Hoàng Văn Định (ĐĐ C và Nguyễn Trụ ( 1B4) đđ B đã phải ra trường sớm vì lý do đã có gia đình , họ là cựu quân nhân và chứng chỉ tại ngũ đã theo các bạn tới trường.Trụ quê Quãng Ngãi không thấy ai nói còn gặp laị anh ta nhưng Định thì cùng quê với tôi hiện ở La Gi, Bình Tuy và chúng tôi vẫn giữ liên lạc, hình như anh NT4 Nguyễn Kiến Tạo cũng đã được chị Thu vợ Định tiếp đón ân cần trong chuyến di tản về BT năm 1975.

Kế nữa là Hoàng Văn Ứng, vì mang căn bịnh trầm cảm nên tính tình cậu ta biến đổi theo thời tiết. Ứng thích sống lập dị không theo được chương trình học nên đã được cho ở một khu riêng sau khi đã có alpha , cả khóa không ai biết , có thể bên trường cũ..

Những kỹ niệm ngày tháng học tập trên trường sao chúng ta có thể quên được. Mùa quân sự bao giờ cũng bắt đầu vào mùa hè khi sân bãi khô ráo từ tháng 4 tới hết tháng 8. Sân bãi và huấn luyện viên là của Võ Bị, cùng chương trình huấn luyện như Võ Bị . Từ trường đi bộ tới bãi cũng mất 45 phút, ra ngoài cổng Tam Quan với khu bãi bắn nằm bên phiá trái còn phiá mặt là lên Thái Phiên, ấp thượng để học bãi chiến thuật. Có nhiều hôm bị mưa khi đang giờ học chiến thuật, HLV cho ngưng ra để mặc áo mưa ông nói với những người thiếu uý tương lai rằng nhiều cuộc chiến đã được quyết định trong cơn mưa, tất cả im lặng nghiêm chỉnh chỉ ông bật lên cười : đừng nghĩ tầm bậy qua chuyện khác nhé. Chúng tôi đã hoàn tất mùa quân sự năm thứ hai chuyên về cấp đại đội.

Chương trình Văn Hóa gồm 4 tháng từ tháng 9 đến hết tháng 12, Chúng tôi phải học 8 môn. So sánh thường một chu kỳ term của một trường đại học bên Mỹ chỉ học 4 môn và hoàn tất cả term thứ hai nữa là 8 môn , tôi cố nhớ ra thêm môn thứ chín nhưng không thể nhớ lại nỗi là môn gì và thầy nào dậy...Tám môn học trong 4 tháng thật dễ sợ phải không các bạn. Các môn học bao gồm về nhân văn theo thứ tự liệt kê sau:

1- Chính trị học với GS Nguyễn Ngọc Huy.
2- Thần học sử quan Kitô giáo với GS Lê Tôn Nghiêm.
3- Bang giao quốc tế với GS Huỳnh Hưũ Bang.
4- Kinh tế học với GS Nguyễn Hồng Giáp
5- Xã hội học với GS Thiếu tướng Bùi Đình Đạm.
6- Hành chánh công quyền với GS Nguyễn Thị Huệ.
7- Luật gia đình với GS Nghiêm Xuân Việt.
8- Nhân chủng học với GS Ngiêm Thẩm.

Mỗi Thầy đều để laị cho chúng tôi những kỹ niệm êm đềm khó quên, thầy Huy thường có nhiều câu chuyện quanh bàn họp ở hội nghị Paris mà trước đó thầy là cố vấn chính trị cho phái đoàn VNCH. Thầy Bùi Đình Đạm là vị tướng có học vị Tiến sĩ đầu tiên ở VN dạy thế Cô Phạm thị Tự, có những phân tích về xã hội và thời cuộc nóng hổi. Thầy Nguyễn Hồng Giáp mới từ Paris về dạy ở đại học Đà Lạt đưa ra những câu chuyện đời sống bên tây liên can đến kinh tế hai chiều hai quê. Thầy Nghiêm Thẫm dạy nhiều nhưng thú thật giờ cũng chỉ nhớ cái vật tổ gọi là TÒ TEM. Thầy Lê Tôn Nghiêm cho chúng tôi ấn tượng sâu sắc nhất, môn triết học muôn đời là môn học khó nhá nhất cả với người dạy và với người học nhưng với thầy Nghiêm nó trở thành môn học lôi cuốn. Với qui luật về qui nạp , thầy vẽ 2 vòng tròn tượng trưng , nốt tay vẽ phấn thu vòng tròn nhỏ lại chấm vào giữa cái cộp : nếu Đức Ki Tô không sống lại thì ta không gọi là giáo hội phục sinh .Đó là lối diễn tả cả bằng lời và bằng tay rất hay. Chúng ta ai cũng biết Thầy Nghiêm là trưởng khoa Triết Tây Đại học Văn Khoa SG, có bà con huyết thống với Thượng sư Thích Giác Đức người cũng dạy chúng ta môn biện luận trước quần chúng cùng với Linh Mục Nguyễn Văn Vàng dạy môn nhận diện quần chúng...Chuyện huyết thống của 2 thày một cựu linh mục và một Đại Đức là từ thời vua Tự Đức, vị Tổng Đốc tỉnh Bắc Ninh thời đó họ Lê buộc phải bỏ đạo Chúa, thế là vợ ông bàn với ông cưới giả vờ cho ông cô vợ bé, bà này họ Nguyễn, chuyện giả thành chuyện thật và về sau chính ông ra lịnh cho lính đuỗi cả vợ con bà lớn ra khỏi quan đường , bỏ đạo chúa...nên biết thêm Thượng Sư Giác Đức tục danh họ Nguyễn của dòng bà bé ( cùng gốc mẹ NT5 Đỗ Vĩnh Bảo). Tục lệ họp mặt mỗi dịp tết của họ vẫn còn được giữ tới nay, lương giáo bây giờ hoà hợp và có rất nhiều hiền tài cho đất nước.

Tuy nhiên không phải môn học nào cũng đựơc các thầy cô dạy tốt, có vài môn học buồn ngũ chết luôn như môn Bang giao quốc Tế và Luật Gia Đình , hai thày này cứ cắm đầu đọc trong cua chẵng thêm bớt hàng nào, trong khi bên ngoài trời nắng trong, gíó riu đưa cành thông cho tiếng vi vu vừa đủ rót vào hai lỗ tai hoà với tiếng Thầy Bang đều đều không sao cưỡng đựơc cơn buồn ngũ buổi trưa.

Ngày tới lớp, tối phải luân phiên gác hoặc ứng chiến, còn lại những giờ đọc sánh hoặc tra cứu tài liệu ở thư viện đâu còn mấy giờ thăm cô Tú ở Club. Cả trường chỉ có một câu lạc bộ cafe nổi tiếng với ly trà Lipton chanh cam thảo và ô mai , Đà Lạt lạnh về đêm nâng ly trà lipton nóng bỏng tay nhấp từng ngụm nhỏ để nghe thấm từng giọt nước xuống cổ khoan khoái bên tai giọng hát Uyên Phương bản nhạc tình đưa em xuống phố trưa nay bên ngoài nắng đã lên cây...nhìn cô chủ dáng em muôn đời xõa tóc mỏng manh một bờ lưng gầy ngồi đọc sách sau quầy cashier , bạn tôi ít ra là Hiển và Đỗ Tuấn đã mấy bận lên tiếng muốn xin bờ lưng em về với anh xây dựng tương lai..

Mùa học chiến tranh chính trị cũng 4 tháng được tiếp ngay sau khi tết Tây. Kỹ niệm còn lại của môn học này xin dành để tưởng nhớ đến 2 niên trưởng NT1 Quách Dược Thanh và NT2 Trần Ngọc Hoàn, các anh là những Huấn Luyện Viên của môn học này và thiết tưởng tôi cũng không nên nêu ra là các anh đã truyền lại cho đàn em những gì, đó là những bí kíp của riêng môn phái thiên ngôn bất khả lậu... Các anh đã vĩnh viễn ra đi về với Thánh Tổ Nguyễn Trãi, người thánh bổn mạng của trường mà khi sống đã nhiều lần các anh đã thắp hương khấn xin ngài phù hộ cho công việc chung của đất nước, thì với niềm tin đó tôi tin chắc khi chết các anh cũng được Người mang về nhà với Ngài. Dĩ nhiên nhà của Thánh tổ là nhà Tổ Tiên Việt Nam. Một số anh có nhắc đến nhà thơ thiếu tá Tô Thuỳ Yên, chúng ta cũng có lớp với ông nhưng chỉ vaì giờ trong chương trình tổ chức cuộc liên hoan văn nghệ cho một đơn vị.

Chiến sự bên ngoài của năm 1974 lặng yên , lý do sau khi quân Mỹ rút về kéo theo ngân khoản viện trợ quân sự bị cắt thê thảm làm cho mọi hoạt động của QĐVNCH chỉ còn quanh quẩn ở thế bị động, bỏ mặc CSBV trải nhựa tân trang đường mòn HCM chuẩn bị trận đánh dứt điểm Miền Nam VN năm sau 1975. Khóa chúng ta được một năm bình yên học tập không phải tham gia một chiến dịch nào mặc dù trường có đóng góp công tác thanh tra kiện toàn cơ sở ở vùng 4 nhưng đã cử khóa 4 đi .

Một biến cố tang thương xẩy ra cho khóa 5 chúng ta những ngày cuối tháng 3 năm 1975 đó là tai nạn chết đuối ở hồ Mê Linh của 3 bạn Thảo, Hùng và Hoà. Xin được ghi lại và sau thời gian dài 33 năm thiết tưởng cũng đã đủ để cho chúng ta nghĩ gì, nói gì với những người liên hệ trong biến cố đó. Đây là người bạn đầu tiên của khóa bị chết, cũng là lúc chiến sự đang nóng bỏng ở Buôn Mê Thuột đưa tới nhiều chuyện buồn không tên. Anh em cùng khóa không bao giờ quên các bạn : Hòa đá banh, Thảo cận thị và Hùng má đỏ...

Ngày dời trường là 29 tháng 3 năm 1975, mọi sự suông sẻ, cám ơn Đại Tá CHT đã không đem con bỏ chợ như đài BBC London phát ngôn xuyên tạc, chúng ta đã về tới Tam Hiệp ,Biên Hòa bình an sau 4 ngày đường. Tôi ghi lai khúc này vì từ đây hệ thống tự chỉ huy đầu tiên được cả khóa bầu . Có 2 liên danh tranh cử là liên danh 1 của Lê Quang Thanh và liên danh 2 là của Vũ văn Hoan. Kết quả trúng cử là LD Vũ văn Hoan ,đã làm mọi dự đoán thăm dò cuả hãng Glup trật qúa xa, lý do là trước khi bầu phiếu ai cũng lo sợ liên danh của Hoan sẽ không được lấy một phiếu nên để khỏi quê cho Hoan thì âm thầm bầu cho nó một phiếu để gỡ danh dự cho nó, bố khỉ khi mở thùng phiếu ra đếm nó gác Thanh già cả chục phiếu. Hoan còn nhớ ban tham mưu liên đoàn SVSQ nhiệm kỳ của bạn gồm những ai không, Liên Đoàn Phó là Phan Minh Thành phải không ?

Tất cả SVSQ 2 khóa 5 & 6 không một ai bỏ đơn vị để đi nước ngoài mặc dù khi trường đã rời về TĐ 50 CTCT số 1 Bis Phan Đình Phùng ngày 27/ 4/ 75 thì cũng ngày đó và ngày kế trại Hải Quân Cữu Long ở Thị Nghè mở cửa cho đồng bào xuống tàu hải quân đi Mỹ, gần xịt khoảng cây số bên kia sở thú dân chúng tấp nập kẻ đi người ở mà anh em ta chảng ai còn bụng ruột nghĩ chuyện đi Mỹ.

Chúng ta đã tự vùng vẫy, bám viú rồi tứ tán để tìm lối sống sau khi con tàu VNCH bị chìm giữa biển đời ngày 30/4/75, không kể những danh tướng tuẫn tiết vì lịch sữ đã mở trang sẵn ghi danh họ, ta chết sợ rằng không ai nhớ ghi vào sổ danh nhân : thất thời tuẫn tiết thì không tốt , nên cố phải sống để nhìn đời. Rồi 33 năm cũng đã qua đi, nhìn lại những chuyện xưa thắng bại cũng có nghĩa gì đâu, chỉ là một tiếng la, một cái à thế thôi , nghẳng mặt lại cữu trùng xem cũng nhỏ. Thôi thì cứ coi như mọi sự đều là nhỏ để chẳng thèm bàn thêm cái nghĩa của cái thắng, tôi sẽ dành một đoạn cuối này để nói về chúng ta , ai còn ai mất, ai đi, ai ở trong khoá năm.

Như chúng ta đã biết phải mất khoảng 25 năm mới có thể bắt liên lạc lại cả khoá, giờ ta có thể tổng kết số người mất còn của khóa như sau. Những người mất kể từ sau ngày tan hàng gồm có .

- Đinh Chính Nghĩa,( đđ Đ) phục quốc quân ( chết vào cuối năm 1975.)
- Lâm Chánh Thời, bị tai nạn trúng đạn chết ( năm 79),
- Nguyễn văn Phước và Trương Công Nở ( năm 2004),bị trúng thực và bịnh tật chết
- Nguyễn Đình Khánh ( 2006) bị bịnh chết,
- Nguyễn Ngọc Tường , ở Mỹ, ( năm 2006) chết bịnh .
- ngoài ra còn Đinh văn Vạn đi vượt biên mất tích , là người duy nhất nằm trong số này thuộc đđ B.

Số người đang sống ở nước ngoài khoảng trên 40 người rải rác các nước như sau:

Canada có 3 người ( Nhân, Đỗ Vĩnh Bảo & Vũ Viết Tiên).
Đức 4 người ( Chính ,Hiển, Ứng & Minh Thế)
Hoà Lan: 2 người :Thành lang ben, Mai
Đan Mạch : 1 người :Quyền.
Úc : 2 người : Huyện, Ẩn.

Mỹ là nơi đất lành chim đậu gồm : Luật, Tường, Hoan, Khôi, Chấn, Cảnh, Tuấn Anh, Thanh cận, Long sữa, Phát Lào, Đàm, Chức, Phương bi Đông, Thành trương Chi, Quýnh, Lê, Trung, Luyện, Dung, Tôn Long Dũng, Quốc Bảo, Hoán, Luyến, Phạm Đình Phương, Võ thế Chánh, Lê Hùng ( Boston), Châu, Thiên, Tích và Hiếu, Nguyễn Ngọc Bằng và Nguyễn viết Trạng. 33 người.

Chúng tôi nghĩ rằng dù sinh sống ở đâu thì tình tương thân tương áí sẽ luôn là mối quan tâm chính của mọi người. Đâu biết rằng chỉ một quyết định ra đi theo quân trường này mà chúng ta đã phải quấn quít bên nhau suốt đời phải không các bạn...và cuộc hành trình của chúng ta như 4 block quân với 4 đại đội cùng cờ kiếm ngày nào cứ như thế tiến bước, tôi muốn được nhìn lại cái hàng quân oai hùng trên vũ đình trường ngày nào đó có thể nào câu nói như thế thực hiện được không nhĩ ?

>>